Cần tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên kỹ thuật

23/03/2018 09:04 GMT+7

Đại diện các trường có đào tạo khối ngành kỹ thuật và nhà tuyển dụng đã đưa ra những thông tin quý giá dành cho các thí sinh muốn đăng ký xét tuyển khối ngành kỹ thuật, trong chương trình Tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 22.3.

Nhu cầu tuyển dụng lớn
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết khối ngành kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong công nghiệp 4.0 và trong tương lai nhu cầu tuyển dụng vô cùng lớn. Những ngành học thuộc nhóm này gồm cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, điện - điện tử kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, quản lý môi trường, kỹ thuật logistics…
Cụ thể, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin: “Theo chiến lược phát triển đến năm 2030, 3 nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ cơ bản được ưu tiên là công nghệ chế tạo, chế biến; điện tử viễn thông và năng lượng, trong đó có năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Theo dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM thì từ nay tới năm 2025, hằng năm có 150.000 việc làm mới, trong đó 80% nhân lực phải được đào tạo. Nhu cầu nhân lực nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chiếm vị trí cao nhất, 35%”.
Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty Bosch VN, chia sẻ thời gian tới, công ty mình có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, không chỉ nhân lực đã tốt nghiệp ĐH, mà còn cần rất nhiều kỹ thuật viên tốt nghiệp các bậc học CĐ và trung cấp. “Đặc biệt, nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay còn rất thiếu. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn đa quốc gia, phải có chính sách “săn đầu người” để thu hút người giỏi”, bà Thúy cho hay.
Những “tố chất” quan trọng để học và làm việc
Nhu cầu việc làm rất cao, nhưng người học cần có những tố chất gì để đáp ứng yêu cầu của công việc, và việc đào tạo trong trường ĐH cần thay đổi gì để bắt kịp xu hướng thay đổi của thực tế, là thắc mắc của rất nhiều thí sinh.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng thí sinh muốn học khối ngành này phải khá giỏi các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. “Ngoại ngữ chuyên ngành trong khối kỹ thuật là vô cùng quan trọng đối với nhân lực ngành kỹ thuật, giúp các em có thể vận hành máy móc hiện đại. Tỷ lệ chọi khối ngành này thấp hơn khối ngành khoa học sức khỏe nhưng cao hơn rất nhiều khối ngành khoa học xã hội nhân văn”, tiến sĩ Hải nhận định.
Ông Phạm Văn Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Namilux, đưa ra đánh giá trên kinh nghiệm làm công tác tuyển dụng nhiều năm: “Chất lượng đào tạo kỹ sư khối ngành kỹ thuật hiện nay tốt hơn trước, nhưng đa số các em chú tâm về chuyên môn mà bỏ quên kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Khi tuyển dụng, chúng tôi đánh giá cao các ứng viên độc lập, chủ động trong công việc, có khả năng chịu áp lực và thích nghi được với môi trường làm việc nhiều thử thách. Nhưng những yếu tố này không có nhiều em đáp ứng được”. Ông Minh cho rằng những thí sinh có khả năng tính toán, tư duy logic... thì học và làm việc trong lĩnh vực này sẽ có nhiều thuận lợi.
Bà Lê Thị Kim Thúy nhấn mạnh doanh nghiệp đánh giá cao ứng viên có thái độ làm việc chuyên nghiệp, năng động, giỏi các kỹ năng thương thuyết, đàm phán, làm việc nhóm, thích nghi với tốc độ thay đổi, đặc biệt là khả năng tiếng Anh.
Đa dạng phương thức xét tuyển
Hiện nay, nhóm ngành kỹ thuật được đào tạo tại rất nhiều trường ĐH, CĐ với nhiều phương thức xét tuyển khá thuận lợi đối với thí sinh.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có 4 phương thức tuyển sinh: điểm THPT quốc gia; ưu tiên xét tuyển học sinh trường chuyên, trường năng khiếu và trường có điểm thi THPT cao (115 trường), với điều kiện 3 năm là học sinh giỏi; ưu tiên xét tuyển thẳng (đoạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi quốc gia); thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Trường xét tuyển điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ, trong đó, các em đạt điểm 3 môn tổ hợp lớp 12 từ 18 điểm trở lên hoặc điểm trung bình lớp 12 đạt 6,0 trở lên”.
Trường ĐH Duy Tân năm nay dành tới 1.200 chỉ tiêu cho các ngành kỹ thuật như điện - điện tử, xây dựng, công nghệ thông tin... dựa trên điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ.
Thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin năm nay trường xét tuyển 5.700 chỉ tiêu bậc ĐH với 2 phương thức xét kết quả THPT quốc gia và học bạ lớp 12 (theo tổ hợp môn hoặc theo điểm trung bình lớp 12).
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết, năm 2018 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển 2.600 chỉ tiêu, trong đó chương trình chất lượng cao là 570 chỉ tiêu. Năm nay ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trường còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT cho một số ngành như khoa học hàng hải, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tàu thủy và các ngành thuộc chương trình chất lượng cao.
Trường ĐH Việt Đức tuyển các ngành như cơ khí, công nghệ thông tin, điện, khoa học máy tính..., mỗi ngành 60 chỉ tiêu. Trường tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 5, trong đó có kỳ thi tiếng Anh (hoặc thí sinh có chứng chỉ quốc tế), với điểm chuẩn hằng năm vào khoảng 21.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đào tạo nhiều ngành kỹ thuật, đặc biệt ngành công nghệ ô tô thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Trường xây dựng học kỳ tại doanh nghiệp, giúp sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc được ngay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.