Kiến nghị tăng lương từ 1.1.2023
Ngày 22.10, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại tổ về KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho hay cử tri rất phấn khởi trước việc QH sẽ bàn và quyết định điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2023. Theo ĐB đoàn Bạc Liêu, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc cải cách tiền lương chưa thể thực hiện được vào năm 2023. Tuy nhiên, cử tri muốn biết lộ trình thực hiện thế nào, đến bao giờ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng chính sách tiền lương mới? Bên cạnh đó, ĐB Thái cũng cho rằng cử tri có nguyện vọng được thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.1.2023, sớm hơn 6 tháng so với đề xuất của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến tại thảo luận tổ |
Quochoi.vn |
“Cử tri kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý, nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. Nếu như giá cả ổn định thì việc tăng lương cơ sở mới có giá trị”, ĐB Thái nói và dẫn chứng báo cáo kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 4 của MTTQ VN cho thấy cử tri đang rất lo ngại học phí và dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương không tăng. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì nhìn nhận lương và thu nhập là vấn đề báo động vì lương tối thiểu hiện nay không đáp ứng được nhu cầu mức sống thông thường, thậm chí là mức sống tối thiểu. Theo ông Nghĩa, tiền lương, thu nhập đang là một cản lực rất lớn tới nguồn nhân lực.
Nhất trí tăng lương cơ bản càng sớm càng tốt, ĐB Nghĩa cho rằng không chỉ là tăng từ 1,4 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng như phương án Chính phủ trình. “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức lương chính thức không đủ sống, phải tăng cho họ nhanh và nhiều hơn. Cán bộ hưu trí lương cao rồi thì có thể tăng chậm hơn và ít hơn. Có người về hưu lương 15 triệu đồng/tháng. Bộ phận lương tương đối ổn rồi thì chịu khó một chút. Nếu tăng dàn đều thì không đủ lực, cần giải quyết cấp bách khu vực thấp trước”, ĐB đoàn TP.HCM đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi thảo luận tại tổ cho rằng đề xuất tăng lương lên 1,8 triệu đồng/tháng là hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Bà Trà cho hay mức điều chỉnh nói trên tăng khoảng 20,8%, tiệm cận với cải cách chính sách tiền lương. Khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%. "Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển KT-XH tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020 - 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương", bà Trà cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Gần 40.000 viên chức, công chức thôi việc sau 2 năm |
Người nghèo vào viện công, bác sĩ giỏi ra viện tư
Liên quan vấn đề thiếu thuốc, vật tư ngành y, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (đoàn TP.HCM), nêu từ lúc có ý kiến nói lên việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đến nay đã hơn 8 tháng. Chính phủ, các bộ, ngành họp rất nhiều, lắng nghe nhiều lần nhưng tới nay chưa có thay đổi nào về chính sách. Theo ĐB Thức, có những loại máy gần như độc quyền, chỉ một hãng, một nhà phân phối nhưng nếu làm hồ sơ thầu ghi mua hãng A thì vi phạm vì là chỉ định thầu.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng cho rằng trước dịch đã khó rồi mà sau dịch còn khó hơn vì những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm. Ông Hiếu đề xuất hình thức đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị hiệu quả nhất lúc này là quay lại cái cũ, tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng chứ không đấu thầu tập trung.
Ngoài thiếu thuốc, thiết bị, việc bác sĩ, nhân viên chuyển ra bệnh viện tư, theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, là vấn đề đáng lo vì bệnh viện tư mời bác sĩ từ viện công ra thì chắc chắn là người giỏi khiến tinh hoa giới y khoa lại dịch chuyển ra bệnh viện tư. “Cuối cùng, người nghèo vào bệnh viện công trong khi bác sĩ giỏi, tinh hoa đã ra khu vực tư. Đây đâu phải sự công bằng trong chăm sóc y tế, tạo ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Thức nói và đề nghị trong giai đoạn vô cùng cấp bách này, Thường vụ QH ra nghị quyết giải quyết tức thì vấn đề của ngành y tế trong thời gian chờ sửa đổi luật khác.
Bộ trưởng Bộ Công thương: “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu” |
Phía nam thiếu xăng dầu “do phụ thuộc nhiều xăng lậu, giả”
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng xăng dầu cung ứng lớn đảm bảo sản xuất kinh doanh, nhưng xăng dầu cho sinh hoạt người dân đã có tình trạng thiếu, gây “bức xúc, xô xát, mất an ninh trật tự”. “Nếu bùng lên đừng xem là chuyện nhỏ, mất an ninh năng lượng sẽ dẫn đến mất an ninh lương thực, phải đánh giá sâu hơn, đồng bộ hơn”, ông Mãi nói và đề nghị có cơ chế dự trữ xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là tại TP.HCM và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định về nguồn cung, VN chưa bao giờ thiếu xăng dầu. Cho biết VN có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10, theo ông Diên, lượng dự trữ này hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Sang tháng 11, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.
Lý giải việc nguồn cung đảm bảo song bán ra thị trường “có khó khăn”, ông Diên cho hay khó khăn này là trên cả nước. “Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm”, ông Diên nói, đồng thời cho hay hàng loạt chi phí trong quản lý đảm bảo cung ứng xăng dầu đã lỗi thời. Riêng ở khu vực phía nam, “đứt gãy” cung ứng còn do khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. “Giờ siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà xăng dầu chính thống nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ, thì không ai làm”, ông Diên nói.
Bình luận (0)