Cận tết, 'ma trận' giá pháo hoa có nơi bán mắc gấp đôi khiến nhiều người giật mình

13/01/2023 14:35 GMT+7

Giá pháo hoa không tiếng nổ được bán ra tại các đại lý chính thức không đúng như niêm yết. Trong khi đó, việc mua bán bát nháo trên mạng xã hội khiến cho người tiêu dùng như lạc vào "ma trận" giá cả.

"Không thể bán theo giá niêm yết…"

Trong vai người mua pháo hoa không tiếng nổ để chơi trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi đã đến một số cửa hàng bán pháo hoa tại TP.Đà Nẵng để khảo sát giá cả.

Một cửa hàng pháo hoa tại TP.Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm và combo pháo hoa

HOÀNG SƠN

Qua ghi nhận, giá pháo hoa được các cửa hàng của Z121 đưa ra cao gấp 2 lần so với giá niêm yết.

Cụ thể, sản phẩm pháo hoa giàn phun viên loại 25 ống có giá bán ra 600.000 đồng/giàn, giàn phun viên 36 ống giá 800.000 đồng/giàn. Trong khi đó, theo giá niêm yết của Z121, giàn phun loại 25 ống và 36 ống có giá lần lượt là 308.000 đồng và 398.000 đồng/giàn.

Pháo hoa không tiếng nổ mặc dù được bán tại cửa hàng của Z121 nhưng vẫn có giá cao hơn giá niêm yết của công ty gấp 2 lần

HOÀNG SƠN

Riêng sản phẩm pháo hoa giàn phun hoa (giá niêm yết 330.000 đồng) với tầm bắn cao hơn đã hết hàng. Các loại pháo hoa khác cũng có giá cao gần hoặc gấp 2 lần.

Khi được thắc mắc về việc tại sao cửa hàng lại bán sản phẩm pháo hoa có mức giá cao hơn 2 lần so với giá niêm yết của Z121, một nhân viên thuộc cửa hàng trên đường Nguyễn Tất Thành (TP.Đà Nẵng) cho biết: "Không thể bán theo giá niêm yết được vì có quá nhiều chi phí ngoài lề, không tên khác".

Bảng giá các sản phẩm pháo hóa được niêm yết công khai trên trang web của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 là thế nhưng giá bán ra lại cao gấp 2 lần

HOÀNG SƠN

Theo nhân viên này, những người làm việc tại nhà máy chưa chắc đã mua được giá gốc. "Anh mua đi, chứ vài hôm khan hàng có khi giá còn cao hơn", nhân viên này thúc giục và giới thiệu: "Anh mua combo 2 giàn phun viên sẽ khuyến mãi thêm 5 ống phun nước bạc hoặc 2 con hoa xoay".

Dù biết giá cao hơn giá niêm yết nhưng với suy nghĩ mỗi năm chỉ 1 lần Tết nên nhiều người đến cửa hàng pháo hoa vẫn móc hầu bao mua pháo. "Dù gì đi nữa thì mua tại cửa hàng cũng yên tâm vì mắt thấy, tay sờ hơn là mua trên mạng, nhận hàng không biết có thật không…", một người đàn ông đến cửa hàng pháo hoa trên đường Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

Các trang mạng xã hội sôi nổi chào bán công khai các sản phẩm pháo hoa với mức giá cao hơn gấp 2-4 lần giá niêm yết từ công ty

HOÀNG SƠN

Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận, thị trường mua bán pháo hoa không nổ trên mạng xã hội Facebook cũng sôi động không kém. Nhiều trang bán hàng mang tên "pháo hoa Đà Nẵng" cũng bán giá cao gấp 2 – 3 so với giá gốc. Chẳng hạn, giàn phun viên với mức dao động từ 550.000 – 650.000 đồng/giàn, giàn phun nhấp nháy từ 700.000 – 800.000 đồng/giàn.

Riêng giàn phun hoa, đa số các trang cho biết hết hàng. Nếu còn hàng thì có mức giá lên đến gần 4 lần, với mức giá gần 1,2 triệu đồng (dù giá niêm yết chỉ 330.000 đồng/giàn).

Mua đi, bán lại pháo hoa là vi phạm pháp luật

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, cho biết theo Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010, một trong những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là phải niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.

Dù giá rất "chát" nhưng người tiêu dùng vẫn bấm bụng mua pháo hoa về sử dụng trong dịp tết

HOÀNG SƠN

Hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết của hàng hóa, dịch vụ là hành vi bị nghiêm cấm. Pháo là hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Do đó, hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết đối với mặt hàng pháo (hàng hóa thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện) bị xử phạt nặng hơn so với các mặt hàng thông thường.

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bán giá cao hơn so với giá niêm yết đối với mặt hàng pháo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP), mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết; trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo luật sư, hành vi mua đi, bán lại pháo hoa là vi phạm pháp luật

HOÀNG SƠN

Trả lời câu hỏi, việc người dân mua đi, bán lại pháo hoa, nhất là bán pháo hoa trên mạng xã hội liệu có vi phạm pháp luật, luật sư Nguyễn Công Tín cho hay, mua đi bán lại kiếm lời là một hình thức kinh doanh.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì chỉ những tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa nhưng phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường và phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

"Do đó, hành vi mua bán pháo hoa trên các trang mạng xã hội, mua đi bán lại giữa những người dân là vi phạm pháp luật", luật sư nhấn mạnh.

Mua pháo hoa để biếu, tặng người khác sử dụng có vi phạm pháp luật?

Trong trường hợp mua pháo hoa và biếu tặng, chia sẻ cho người khác sử dụng có vi phạm? Nếu không vi phạm, người sử dụng pháo hoa được tặng cần giấy tờ gì để không bị xử lý?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Công Tín phân tích, liên quan đến hành vi trao đổi, tặng, cho pháo, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

"Như vậy, chỉ có pháo hoa nổ mới bị nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho… Còn đối với pháo hoa thông thường (sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ) thì không bị cấm việc trao đổi, tặng, cho. Khi sử dụng pháo hoa được tặng cho, trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra, người sử dụng phải có chứng cứ chứng minh việc tặng cho, giấy tờ chứng minh nguồn gốc pháo là hợp pháp", luật sư Nguyễn Công Tín nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.