Cẩn thận, con bạn cũng có thể bị rối loạn học tập!

25/07/2019 19:45 GMT+7

Nếu con bạn học hết lớp 1 mà không thể thực hiện phép tính cộng trừ trong phạm vi 10, hết lớp 3 không thể làm toán khi không cần que tính, hết lớp 5 chưa thể đọc trơn tru thì có thể trẻ mắc chứng rối loạn học tập.

Ngày 25.7, Trường ĐH Y dược TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Viện Di truyền y học đã tổ chức tọa đàm "Rối loạn học tập: hiểu biết để hành động"
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, rối loạn học tập là hiện tượng phổ biến trong tất cả các trường, mà biểu hiện rõ nhất là ở cấp tiểu học. Nhưng điều này chưa được lưu ý đúng mức. Rối loạn học tập có thể gặp ở 10 - 15% trẻ ở tuổi học đường và có thể kéo dài về sau nếu không có biện pháp can thiệp thích hợp.
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết rối loạn học tập là rối loạn liên quan đến việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ viết hay nói. Biểu hiện dưới dạng không tương ứng giữa tuổi và mức độ khả năng của trẻ trong việc đạt được một hay nhiều lĩnh vực học tập: biểu lộ bằng lời nói, nghe và hiểu, đọc, viết hay làm toán (trẻ không có những vấn đề khuyết tật khác). 

Bác sĩ Giang cũng cho biết khoảng 10-15% dân số trong tuổi đến trường mắc rối loạn học tập. Trong đó, rối loạn đọc là dạng thường gặp nhất, chiếm khoảng 80% hoặc hơn những trẻ được nhận vào chương trình giáo dục đặc biệt. Không có sự khác biệt về giới tính, trẻ nam có khuynh hướng biểu lộ đi kèm như gây hấn, rối loạn cư xử và thường được gởi đi khám nhiều hơn so với trẻ nữ. 

Tuy nhiên, rối loạn học tập không dễ nhận biết vì trẻ bình thường có trí thông minh từ mức trung bình cho đến cao, điều này khác hẳn với trẻ chậm phát triển. Ở trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ luôn thấp hơn bình thường.

Chuyên gia chia sẻ ý kiến tại tọa đàm

Đăng Nguyên

Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Minh Thư (Bệnh viện Nhi đồng 2), để nhận biết rối loạn học tập có thể thấy những trẻ này có mức học tập đạt được thấp hơn so với mong đợi ở mức tuổi của trẻ. Ở dạng rối loạn đọc là hiệu suất đọc nhỏ hơn hoặc bằng chỉ số đo 1SD so với tuổi và trí thông minh. Rối loạn tính toán là tiếp thu kém về số học, khó khăn khi đếm, tính toán và so sánh số, khó nhận diện số la mã. Rối loạn viết là kỹ năng viết thấp hơn so với tuổi dù trí thông minh và giáo dục phù hợp.

Giáo viên cũng không biết

Thạc sĩ Huỳnh Thị Hoàng Oanh và thạc sĩ Hoàng Thị Nga (Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì dùng khái niệm khuyết tật học tập (KTHT) cho vấn đề này. Theo đó, Bộ Khoa học giáo dục Nhật Bản, KTHT không có sự chậm phát triển về trí tuệ nói chung nhưng trong các năng lực nghe, nói, đọc, viết, tính toán và suy luận, việc lĩnh hội một nội dung đặc định nào đó thì có những khó khăn rõ rệt. Nguyên nhân là do sự khiếm khuyết nào đó về cơ chế hoạt động của hệ thần kinh. 
Tuy nhiên, KTHT là dạng khuyết tật khó nhìn thấy. Thời điểm xác định trẻ bị KTHT hay không cũng diễn ra chậm hơn các dạng khuyết tật khác. Việc nhận diện và xác định học sinh KTHT không hề dễ dàng và đơn giản, cần sự tham gia của một nhóm các chuyên gia nhiều lĩnh vực cùng giáo viên.
Nhưng chính giáo viên cũng không biết hoặc không có hiểu biết chính xác về đối tượng học sinh bị KTHT. Nhiều người còn cho rằng học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, lười học, gia đình không quan tâm... Từ đó, giáo viên đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó vô hình trung khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn. 
Vì vậy theo các chuyên gia, học sinh bị rối loạn học tập cần được phát hiện đúng, để khi trẻ có một số biểu hiện, có thể đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tầm soát. Trẻ sẽ được tầm soát để khám toàn diện các nguyên nhân, từ tiền căn gia đình, bản thân, kết quả học tập ở trường, quan sát tại phòng khám... để xác định nguyên nhân và điều trị. Quan trọng hơn, trẻ rất cần môi trường giáo dục hòa nhập thật sự. Sự hòa nhập là quá trình chủ động xác định những rào cản mà người học gặp phải khi tiếp cận các cơ hội giáo dục chất lượng và sau đó loại bỏ những rào cản đó. 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.