Cẩn thận khi chọn sách tham khảo tiếng Anh

10/06/2019 07:53 GMT+7

Sách tham khảo tiếng Anh bị lỗi chính tả, dịch sai nghĩa, lủng củng, dàn trang kiểu tốn giấy để bán giá cao... hiện đang được bày bán rất nhiều trong các nhà sách khiến người mua không chỉ bị sai lệch kiến thức mà còn tốn tiền.

Lỗi chính tả ngay trang bìa

Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên môn tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết: “Ngoài các sách được phê duyệt và kiểm định gắt gao từ các cơ quan có thẩm quyền và nhà xuất bản có uy tín, không ít sách tham khảo học tiếng Anh ngày nay do người Việt biên soạn thường gặp những vấn đề mà người học cần lưu ý.
Chẳng hạn do không cẩn trọng lúc biên soạn, tác giả đã để lại nhiều lỗi chính tả trong quyển sách. Đơn cử như quyển Ngữ pháp tiếng Anh (English Grammar) của hai tác giả Hoàng Yến, Xuân Tùng (NXB Thời đại) ngay trên trang bìa đã có những lỗi sai như “The bokk is ful knowledge about grammar”. Một số trang bên trong cũng bị lỗi tương tự.
Ví dụ trang 23 có từ “secretarty”, từ đúng phải là “secretary” (thư ký), hoặc trang 17 có từ “tought”, từ đúng phải là “taught” (thể quá khứ của “teach” - giảng dạy).
Thạc sĩ Hữu nói thêm không chỉ vậy, giáo trình nước ngoài vẫn có thể sai. Chẳng hạn như giáo trình Bridge to IELTS Pre Intermediate - Intermediate Band 3.5 - 4.5 của Cengage Learning và National Geographic Learning, có một số lỗi trong phần đáp án của Teachers’ Book (sách giáo viên).
“Thực ra với những lỗi này, giáo viên đứng lớp có thể phát hiện và điều chỉnh dễ dàng khi giảng dạy, nhưng với những học viên tự học bước đầu thì chắc hẳn sẽ có những lúng túng nhất định. Đáng ngại ở chỗ, tâm lý người học vẫn tin tưởng sách nước ngoài, và vì học tiếng nước ngoài nên hay mặc nhiên rằng giáo trình nước ngoài sẽ đúng. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp giáo trình được trình bày bắt mắt và hữu ích nhưng chứa đựng một số lỗi nhất định”, thạc sĩ Hữu nhận định.
Ngoài ra, không ít sách có kiểu dàn trang “ăn tiền” người học như giáo trình TOEIC SMART - Grammar - Red book, có các trang bài tập chỉ có 5 câu trắc nghiệm/trang giấy, phần chừa trắng rất nhiều, với mức giá không hề rẻ (gần 100.000 đồng). “Tiếc là giờ những quyển như thế nhan nhản. Một số cuốn còn trình bày kiểu hình họa màu mè kèm chữ size 20 - 30 và giá mấy trăm nghìn. Giống bán giấy hơn là bán sách”, ông Lê Duy, giáo viên tiếng Anh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết.

Để chọn được những cuốn sách “chuẩn”

Sách chỉ mẹo học tiếng Anh phản khoa học
Ông Nguyễn Minh Trí, giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ Cleverlearn, cho biết gần đây có nhiều sách hướng dẫn người học cách nhớ từ rất phản khoa học. “Chẳng hạn cuốn Hack não 1.500 từ tiếng Anh, trong đó dùng từ trại âm tiếng Việt để nhớ thì thực tế tốc độ tri nhận sẽ chậm hơn. Ví dụ “consequence” đọc thành “con sẽ quên”, vậy khi muốn dùng lại phải hình dung âm về tiếng Việt rồi chuyển sang tiếng Anh thì lâu hơn và khả năng phát âm sai cao”.
Theo ông Trí, sách này quảng cáo là dùng cho người có nhu cầu học để thi ĐH và IELTS nhưng với “mẹo” học như thế thì rất không chuẩn. “Sách này còn chỉ ra “mẹo” học bằng cách chuyên chen tiếng Anh vô tiếng Việt, cách này không được đánh giá cao trong giáo dục học thuật. Ví dụ “cô ấy sing rất hay”. Phương pháp này để gợi nhớ từ vựng bằng việc chêm nó vào trong ngữ cảnh của tiếng Việt.
Thạc sĩ Phan Thị Lệ Hoa, giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng trước thực trạng rất nhiều sách tham khảo tiếng Anh được bán tràn lan mà không phải cuốn nào cũng đảm bảo kiến thức chuẩn, người học cần phải lựa những nhà xuất bản có uy tín. Tiếp đến là nhìn tên tác giả.
“Các bạn có thể đọc lời tựa hoặc lên Google tìm kiếm là ra thông tin liệu tác giả có phải tên tuổi nổi tiếng, có thuộc các trường ĐH uy tín, tổ chức giáo dục uy tín hay không. Không ít cuốn sách của tác giả không tên tuổi có cách dịch giống y như dịch trên Google, vì thế các bạn cũng có thể lật một trang bất kỳ để kiểm tra phần dịch. Nếu thấy cách hành văn kiểu dịch từng từ một, thiếu trau chuốt, lủng củng thì không nên mua. Ngoài ra, những sách có tiêu đề giật gân như “Chỉ cần 3 tháng là giỏi tiếng Anh” thì càng phải xem xét vì mức độ tin cậy thường không cao bằng những cuốn có tiêu đề mô phạm”, thạc sĩ Lệ Hoa chia sẻ.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu lưu ý thêm: “Các bạn cũng nên tham vấn người có kiến thức, kinh nghiệm về tiếng Anh. Ngoài ra, mạng xã hội, như Facebook, cũng có thể cho người mua nhiều thông tin hữu ích. Các bạn có thể ghi thông tin sách và chụp ảnh bìa (nếu có) và đăng lên trang của mình, những bạn đã đọc qua sách này có thể cho những góp ý chân thành nhất. Bên cạnh đó, nếu mua online, cần xem các bình luận tại trang web bán hàng và các trang web khác để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn”.
Đồng thời, thạc sĩ Hữu khuyên người học nên xem kỹ nội dung trước khi mua, nên xem phần mục lục và những trang đại diện, đối chiếu với những hiểu biết và tham khảo của bản thân để có những đánh giá nhất định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.