Cẩn thận lừa đảo mạo danh ngân hàng, công ty tài chính cho vay vốn

14/03/2023 17:41 GMT+7

Mạo danh công ty tài chính, ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân gần nay bùng phát khiến các đơn vị này liên tục lên tiếng cảnh báo.

Lợi dụng nhu cầu đang cần vay tiền của người dân, những đối tượng xấu mạo danh công ty tài chính thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT), gần đây nhận được phản ánh một nhóm đối tượng ngụy tạo thông tin ảo trên website với tên công ty như Vay Credit, Thịnh Vượng Credit, Hoàng Long Credit lấy danh nghĩa công ty con của FE CREDIT để chào mời các gói vay cho nạn nhân. Trên thực tế không có các công ty này.

Cẩn thận lừa đảo mạo danh ngân hàng, công ty tài chính cho vay vốn - Ảnh 1.

Người dân thận trọng với những thủ đoạn giả mạo công ty tài chính, ngân hàng

NGỌC THẮNG

Sau khi nạn nhân đồng ý vay, các đối tượng sẽ tư vấn như nhân viên tổng đài cho nạn nhân qua tin nhắn và yêu cầu truy cập một đường link để thực hiện thủ tục vay. Đến bước giải ngân, các đối tượng này thông báo tài khoản nạn nhân đã bị đóng băng vì lý do nhập sai thông tin và yêu cầu nộp một khoản tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp. Để củng cố niềm tin cho nạn nhân và thực hiện thủ đoạn lừa đảo dễ dàng hơn, các đối tượng này cung cấp địa chỉ thực của FE CREDIT để người bị hại đến xác minh, gây nhầm lẫn cho nạn nhân.

Tương tự, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cũng cho biết, lợi dụng uy tín thương hiệu và nhu cầu cần vay vốn tiêu dùng tăng cao của người dân, một số đối tượng xấu đã có hành vi giả mạo website và tổng đài của Mcredit, nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính từ người đi vay. Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo sử dụng là quảng cáo, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn, điều hướng khách hàng cung cấp hồ sơ/thông tin qua website giả mạo thương hiệu Mcredit.

Mặt khác, có một số đối tượng lại sử dụng hotline tổng đài giả để gọi điện hướng dẫn, tư vấn và chăm sóc khách hàng thực hiện đăng ký vay. Sau đó, các đối tượng này can thiệp vào ứng dụng giả để thông báo lỗi cung cấp sai thông tin (như sai số CMND, sai số tài khoản giải ngân, sai mật khẩu…) để gửi đến khách hàng yêu cầu phải chuyển khoản trước số tiền vào tài khoản của đối tượng trước khi được giải quyết cho vay. Nếu khách hàng thực hiện theo sẽ bị mất số tiền đã chuyển cho đối tượng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) còn chỉ ra thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng, giả mạo con dấu và chữ ký của người đại diện để lập hồ sơ giả nhằm chào mời khách hàng vay tiền. Để gây nhầm lẫn cho khách hàng, kẻ mạo danh sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh đại diện; giả mạo con dấu và chữ ký; giả mạo các yếu tố xác thực (dấu tích xanh/cam…) giống của TPBank hoặc số điện thoại có đầu số 1900 **** (dạng như tổng đài). Sau đó yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay, phí kích hoạt tài khoản, khoản vay vào một tài khoản cá nhân bất kỳ. Sau khi nhận được khoản tiền này, kẻ gian chặn số điện thoại để khách hàng không liên lạc được.

Các công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác các tổ chức mạo danh cho vay qua website và hotline; trong mọi trường hợp, không yêu cầu khách hàng chuyển khoản, nộp tiền mặt để thu các loại phí như phí mở hồ sơ vay vốn, phí kích hoạt tài khoản hoặc khoản vay, phí điều chỉnh số tài khoản sai… cho bất cứ cá nhân nào kể cả nhân viên của đơn vị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.