Cần 'thay đổi cách nhìn của nam giới' về áo dài trong đời sống

09/07/2023 17:40 GMT+7

Tại hội thảo khoa học Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại, có ý kiến cho rằng cần thay đổi cách nhìn của nam giới về trang phục áo dài trong đời sống.

Chiều 9.7, tại TP.Huế, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023.

Cần thay đổi cách nhìn của nam giới về áo dài trong đời sống - Ảnh 1.

Hội thảo với đông đảo đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế áo dài nổi tiếng tham dự

LÊ HOÀI NHÂN

Phát biểu điều hành hội thảo, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết chương trình đã nhận được 28 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng các nhà thiết kế, nghệ nhân... liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Ông Hải đánh giá nội dung các tham luận tham gia hội thảo khá phong phú, tập trung bám sát chủ đề hội thảo là định hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại.

Qua chương trình này, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ trao đổi, thảo luận để làm rõ các giải pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Đồng thời, thảo luận về các chính sách, sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo, sản xuất, trình diễn, phân phối áo dài; tìm giải pháp để sớm thể chế hóa và xây dựng được các chính sách để bảo vệ, tôn vinh, phát huy các giá trị áo dài truyền thống...

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng trang phục áo dài đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử; câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế trong đời sống đương đại vẫn còn những bước gập ghềnh, cần có giải pháp, nhất là làm sáng tỏ giá trị đặc trưng của bộ trang phục áo dài (nam và nữ), giải tỏa tâm lý e ngại, dị ứng của không ít người trước những vấn đề về truyền thống và đương đại.

Cần thay đổi cách nhìn của nam giới về áo dài trong đời sống - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đóng góp ý kiến tại hội thảo

"Mừng là từ giới nữ sinh, thiếu nữ, đến những người phụ nữ lao động, phụ nữ trí thức, cụ bà... đều tiếp nhận bộ trang phục áo dài nữ một cách tự nhiên, không mặc cảm lỗi thời. Vấn đề "hóc búa" còn lại là ở thành trì nam giới, ở đó tâm lý "cổ hủ" coi những giá trị truyền thống là tàn dư của phong kiến, là lạc hậu, đi kèm là tâm lý rụt rè, e ngại, sợ bị người khác nhìn mình trong bộ trang phục áo dài có vẻ lão làng và rắc rối…", ông Hoa nhấn mạnh.

Ông Hoa lý giải, trong đời sống đương đại, bộ áo dài nam dân dã phổ biến ở làng xã, trong tế lễ, hội làng, những bộ trang phục đó khó được giới trẻ tiếp nhận.

Đặc biệt, chiếc áo dài ngũ thân nam truyền thống đa sắc màu, tao nhã từng xuất hiện ở vùng đất kinh đô Huế dần bị lãng quên. Một phần vì sự ra đời của các mẫu áo dài nam cách tân học theo áo dài Trung Hoa, áo dài Ấn Độ hoặc làm tùy hứng. Vì thiếu hiểu biết về áo dài ngũ thân truyền thống đã đẩy trang phục áo dài nam vào thế "thất trận", có lúc tưởng chừng khó "gượng dậy".

Cần thay đổi cách nhìn của nam giới về áo dài trong đời sống - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, nhiều người trẻ Huế bắt đầu yêu thích, mặc áo dài ngũ thân

LÊ HOÀI NHÂN

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, để áo dài Huế phục sinh và vươn tới trở thành bộ trang phục đặc trưng của người Việt Nam, trước hết cần làm chuyển đổi nhận thức về giá trị thẩm mỹ của trang phục áo dài ngũ thân truyền thống. Đặc biệt, cần giới thiệu rộng rãi vẻ đẹp trang nhã của chiếc áo dài nam, xóa bỏ thành kiến áo dài nam chỉ là chiếc áo dài đen, áo dài xanh may đơn giản đã tồn tại gắn liền với lễ nghi cúng tế, với trang phục tùy tiện đã từng xuất hiện trên các vai diễn phản diện trên sân khấu...

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng nhấn mạnh rằng, trang phục áo dài phải ứng dụng theo đời sống thay đổi, mỗi thời đại đều có những khát vọng mới, hơi thở mới. Áo dài như một di sản văn hóa của cố đô Huế, là tài sản trí tuệ độc đáo… vì vậy cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để kết nối mạch nguồn xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.