Cần thêm chính sách cho nhà ở xã hội

08/12/2016 06:12 GMT+7

Đó là kiến nghị được các địa phương, doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị toàn quốc về phát triển nhà ở xã hội , nhà ở cho công nhân ngày 7.12 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Người mua cần hỗ trợ
Hầu hết các địa phương được mời phát biểu tại hội nghị đều là những nơi có nhiều mô hình thành công, có sự quan tâm lớn đến phát triển nhà ở cho công nhân, người nghèo. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà họ đề cập vẫn là các cơ chế liên quan đến tiền.
Là địa phương đi đầu trong xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho hay khó khăn của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình này là tồn kho rất nhiều. Theo ông Liêm, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh có 85 dự án được triển khai nhưng mới có 25 dự án hoàn thành mà vẫn không bán hết dù Bình Dương nổi tiếng với những căn hộ chỉ trên 100 triệu đồng. "Tỉnh có tới 950.000 công nhân là người nhập cư, họ buộc phải thuê nhà vì không có tiền mua dù căn hộ 100 triệu rõ ràng rất hấp dẫn", ông Liêm nói và kiến nghị duy nhất được lãnh đạo tỉnh nhắc tới là mong muốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi để công nhân có điều kiện mua được nhà. "Thông tin gói hỗ trợ lãi suất hơn 4%/năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội đang rất được chờ đợi. Nếu được triển khai, các dự án trong tỉnh được hoàn tất sẽ cung cấp ra 3,9 triệu m2 nhà ở, đủ cho 900.000 công nhân", ông Liêm cho hay.
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, gói 30.000 tỉ vừa qua đã có tác dụng rất tốt nên chủ trương thêm một gói tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là tín hiệu tích cực. "Tuy nhiên, đó mới là chủ trương, xin Chính phủ chỉ đạo sớm thực hiện vì người dân đang rất mong chờ", ông Khoa đề nghị.

tin liên quan

Nhiều vấn đề tồn đọng trong phát triển nhà ở xã hội
Theo kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước mới công bố thì chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM và TP.Đà Nẵng đến năm 2015 có tồn tại không ít vấn đề. Cụ thể, hai thành phố này đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra với TP.HCM (22%), TP.Đà Nẵng (43%).

Tương tự, vấn đề cơ chế tài chính cũng được nhiều DN than vãn. Đại diện Tập đoàn Hoàng Quân (TP.HCM) cho biết, DN không kỳ vọng được hỗ trợ trực tiếp mà chỉ mong muốn nhà nước giúp đỡ người mua. Bởi trong số 26 dự án mà tập đoàn đang triển khai thì số vốn vay chỉ là 540 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư 26.000 tỉ đồng. "Thế nhưng, khi gói hỗ trợ 30.000 tỉ cho người mua bị dừng lại, khách hàng rất khó khăn. Có khoảng 5.000 người mới nộp được 20% nên DN đã phải hỗ trợ 4% lãi suất với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng mỗi năm", lãnh đạo DN này nói.
Đứng đầu một DN có nhiều dự án nhà ở xã hội khu vực phía bắc, vấn đề mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Viglacera, tha thiết nhất vẫn là gói tín dụng cho người mua nhà. "Dù biết ngân sách rất khó khăn về tài chính nhưng nhu cầu nhà ở của người nghèo, công nhân là vấn đề cấp bách nên cần có thứ tự ưu tiên trong tín dụng để hỗ trợ người dân mua nhà", ông đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN đề nghị Chính phủ cho lập quỹ tiết kiệm nhà ở như mô hình của Trung Quốc đang triển khai tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Chính sách mới chỉ trên giấy
Bên cạnh câu chuyện hỗ trợ lãi suất, nhiều vướng mắc khác cũng được các DN và đại diện người lao động đề cập. "Nếu chỉ ngồi nghe các bộ nói chính sách thì rất yên tâm nhưng khi chúng tôi đi giám sát thấy rất khó chịu, thủ tục hành chính nhiều cửa lắm, đè DN lắm", ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Còn ông Đặng Quang Điều, đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN, cũng đặt câu hỏi: Nếu chính sách có đủ rồi mà DN vẫn không mặn mà, như việc họ đổ xô đi làm nhà thương mại thay vì nhà ở cho công nhân thì rõ ràng là tắc ở thực thi? Hướng về phía các DN, ông Điều nói: "Có lẽ DN là người trả lời câu hỏi này rõ hơn ai hết".
Lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Quân nhận định, thủ tục để triển khai một dự án nhà ở xã hội gấp đôi dự án nhà thương mại, từ đất đai, cấp phép xây dựng, đến tài chính… Dù thừa nhận chính sách có đủ, song Chủ tịch Viglacera cũng cho rằng việc áp dụng chưa linh hoạt với từng loại hình. "Ví dụ Hà Nội quy định chung cư phải có 3 tầng hầm. Tôi hiểu là có thể cơ quan quản lý lo về chỗ để xe nhưng đó là trong trung tâm thôi chứ nếu ở ngoại thành, nhà cho người thu nhập thấp thì có nên không", ông Tuấn băn khoăn.
"Khó nhất là nguồn lực"
Giải đáp các kiến nghị từ DN và địa phương, đa số đại diện của các bộ ngành và Chính phủ cũng phải dùng tới hai chữ "khó khăn" khi nhắc tới nguồn lực hỗ trợ. Ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Bộ đã trình Chính phủ cơ chế để bù lãi suất hỗ trợ với người mua nhà nhưng ông cũng thừa nhận rất khó khăn. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãi suất vay mua nhà ở xã hội, nhà cho công nhân không thể cao tới gần 2 con số được nên rất cần nhà nước hỗ trợ. "Đúng là khó nhất vẫn là nguồn. Nhưng phải coi đây là vấn đề quan trọng, cần đầu tư. Có lẽ phải tính tới nguồn từ quỹ hỗ trợ sắp xếp DN sau cổ phần hóa, thoái vốn chứ không nên dành hết cho làm đường, làm cảng mà quên vấn đề này", Phó thủ tướng bày tỏ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và T.Ư bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách T.Ư tại Quyết định 40 của Thủ tướng về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý rằng, quan điểm của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và người dân. “Việc này không phải chỉ có nhà nước, nếu không chúng ta lại quay về bao cấp”, Thủ tướng nói.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 11.2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, tương đương hơn 71.000 căn hộ. So với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 250.000 căn hộ thì tỷ lệ này mới đạt chừng 28%.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản VN cho hay, trong vòng 5 năm từ 2011 - 2016 trên cả nước hoàn thành việc đầu tư xây dựng 58 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 30.000 căn hộ. Hiện nay tiếp tục có thêm 110 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường thêm 70.000 căn hộ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.