Ngày 24.5, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng quy trình phối hợp, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở TP.HCM.
Mặc dù, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý về "hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục", "nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc", tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp nạn nhân không thể không cung cấp hoặc không thu thập được chứng cứ về việc bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc nên không thể yêu cầu trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bộ luật Lao động năm 2019 có 9 điều liên quan đến phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó, yêu cầu người sử dụng lao động phải quy định trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động của mình. Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.
Khó khăn đưa phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào nội quy lao động
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Diệu Hồng (chuyên gia quốc tế về giới và pháp luật) cho biết, đến hết năm 2023, số lượng các doanh nghiệp đã đăng ký nội quy lao động với các cơ quan quản lý lao động địa phương còn thấp, chỉ bằng 36% số doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên.
"Việc xây dựng và ban hành quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động của doanh nghiệp là một nội dung mới, đòi hỏi trình độ chuyên môn nhất định. Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết về quấy rối tình dục tại nơi làm việc của cả cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn và người lao động còn hạn chế. Đáng lưu ý, vẫn có sự nhầm lẫn giữa hành vi quấy rối tình dục và hành động thể hiện mối quan hệ bạn bè lành mạnh cũng như thiếu sự ghi nhận loại hình quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi", bà Hồng nêu một số lý do khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi đề cập nội dung phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc vào nội quy lao động.
Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp thường tự xây dựng chính sách phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc với sự tham vấn của công ty mẹ hoặc đơn vị chủ quản mà ít tham vấn các đối tác bên ngoài.
Điều này dẫn đến quy trình, thủ tục xử lý quấy rối tình dục còn chung chung, khó đánh giá hiệu quả vì chưa một doanh nghiệp nào vận dụng trong thực tế. Ngoài ra, quy trình, thủ tục xử lý khiếu nại về quấy rối tình dục thường được tách khỏi quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật lao động nên tạo cảm giác việc xử lý quấy rối tình dục quá phức tạp và phiền phức.
Theo bà Hồng, quy trình chuẩn xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải là bộ phận không thể tách rời của chính sách phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của doanh nghiệp. Vì vậy, bà Hồng đề xuất một quy trình 7 bước để xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc, gồm: tiếp nhận khiếu nại; giải quyết tranh chấp nội bộ thông qua hòa giải nếu vụ việc không nghiêm trọng; chỉ định người xác minh vụ việc; tiến hành xác minh vụ việc; thông báo kết quả; xử lý kỷ luật; bồi thường.
Định nghĩa rõ ràng hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc là gì
Góp ý cho quy trình này, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng phòng Lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), nhận xét cần quy định rõ hành vi quấy rối tình dục trong nội quy lao động của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp cần quy định rõ hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc là như thế nào. Khi xây dựng nội quy lao động có nội dung này thì họ cũng rất đề phòng, bởi vì nếu hành vi này có yếu tố vi phạm hình sự thì doanh nghiệp phải chuyển cho cơ quan chức năng. Lúc này doanh nghiệp không có thẩm quyền xử lý nữa", bà Hà nói.
Còn ông Nguyễn Bảo Khâm (cán bộ công tác tại Công an TP.HCM) cho hay, dưới góc độ của cơ quan điều tra, trong bối cảnh hiện nay, rất cần xây dựng một quy trình chuẩn xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sau thời gian vận hành, nếu cần sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
"Nếu hành vi quấy rối tình dục xảy ra ở nơi làm việc mà doanh nghiệp giải quyết không ổn thỏa, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo gửi cho cơ quan công an. Lực lượng công an phường, xã sẽ tiếp nhận trước tiên, nếu vụ việc có tính chất nghiêm trọng thì sẽ báo lên cho cơ quan cấp cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng một quy trình xử lý trong doanh nghiệp có thể tạm chấp nhận được ở giai đoạn hiện nay là cần thiết", ông Khâm nói.
Bình luận (0)