Ngày 13.12, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh vừa can thiệp nội mạch cứu sống ca vỡ phình động mạch gan hiếm gặp với tình trạng rất nặng.
Bệnh nhân nữ P.T.H.M., 53 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, được đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ khám trong tình trạng ra huyết âm đạo khoảng 1 tháng, đau bụng hạ vị, được chỉ định nhập viện khoa phụ sản theo dõi và điều trị với chẩn đoán u xơ tử cung.
Hơn 1 tuần nằm điều trị, bệnh nhân đột ngột đau bụng vùng thượng vị dữ dội, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ, niêm nhợt, da xanh (dấu hiệu của mất máu cấp). Bệnh nhân được hồi sức tích cực: bù dịch, bù máu 6 đơn vị hồng cầu lắng 350 ml cùng nhóm. Đặc biệt, kết quả chụp CT-Scanner bụng có cản quang, sau đó ghi nhận bệnh nhân có ổ giả phình được cấp máu từ động mạch gan trái kích thước to, tụ máu cạnh bao gan.
Sau hội chẩn, bệnh nhân có chỉ định can thiệp chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số xóa nền (DSA) với chẩn đoán: Xuất huyết nội do vỡ phình động mạch gan trái.
Kết quả ghi nhận ổ giả phình động mạch gan trái, kích thước khoảng 15 x 22 mm kèm phình động mạch gan trái (mở rộng theo chu vi của động mạch). Ê kíp can thiệp đã thực hiện chọn lọc vào nhánh động mạch gan trái có tổn thương, xác định vị trí và tiến hành thả 3 vòng xoắn kim loại (coils) vào ổ giả phình rồi bơm hỗn hợp keo sinh học làm bít tắc hoàn toàn túi phình.
Sau 90 phút can thiệp, bệnh nhân ổn định được chuyển khu hậu phẫu theo dõi.
Đến chiều 13.12, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, hết đau bụng, sinh tồn ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.
Theo BS-CK2 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (can thiệp trực tiếp cho bệnh nhân), phình động mạch gan là một bệnh hiếm gặp. Đây là hậu quả của quá trình thoái hóa hoặc loạn sản của các mạch máu trong gan. Nguyên nhân thường gặp nhất của phình động mạch gan là do xơ vữa mạch máu, kế đến là viêm mạch, u đường mật, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng đường mật, ghép gan...
Bệnh cảnh lâm sàng của phình động mạch gan thường không đặc hiệu, phụ thuộc vào kích thước của phình mạch. Các phình mạch nhỏ thường không có biểu hiện triệu chứng. Nếu phình mạch lớn hơn có thể bao gồm đau thượng vị, tắc mật, vỡ và tử vong.
Hiện có nhiều phương tiện giúp chẩn đoán được phình động mạch gan như siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính và cắt lớp vi tính mạch máu, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp mạch máu xóa nền. Trong đó, phương pháp chụp cắt lớp vi tính mạch máu có khả năng phát hiện phình động mạch gan lên đến 100%.
Cũng theo BS Khánh, trong điều trị phình động mạch gan thì phương pháp can thiệp nội mạch làm bít tắc phình mạch có tỷ lệ thành công cao. Đây là phương pháp an toàn, nhanh chóng và xâm lấn tối thiểu. Kỹ thuật can thiệp nội mạch cũng được chỉ định trong rất nhiều ca cấp cứu như đột quỵ não, chấn thương các tạng ổ bụng, ho ra máu sét đánh, đái máu, xuất huyết tiêu hóa cấp, chảy máu sau sinh, vỡ phình mạch tạng, chảy máu mũi, chấn thương chảy máu hàm mặt - khung chậu…
Bình luận (0)