Nhiều doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo BHXH
Ngày 14.5, tại Thành ủy Cần Thơ, Liên đoàn Lao động TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với công đoàn, công nhân lao động năm 2024. Tham dự có hơn 200 đại biểu đại diện cho khoảng 84.000 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn.
Hội nghị nhận được nhiều chia sẻ, đề xuất, kiến nghị về đào tạo nghề chất lượng cao, nhu cầu nhà ở xã hội, hỗ trợ cán bộ y tế, tăng cường điều kiện mua sắm gần khu công nghiệp, giá điện nước, chính sách giữ chân nguồn nhân lực; hỗ trợ thêm cho cán bộ chuyên trách cấp xã…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.Cái Răng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp (DN) nợ đóng, trốn đóng bảo BHXH ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hằng tháng, DN vẫn khấu trừ lương của người lao động. Khi người lao động nghỉ việc thì không được thanh toán, "cầu cứu' nhiều nơi không được vì lý do DN còn nợ BHXH. Các cơ quan quản lý sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động ?
Về vấn đề này, ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc BHXH TP.Cần Thơ cho biết, đến ngày 30.4, thành phố có 336 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 83 tỉ đồng (gồm BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp). Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, BHXH TP.Cần Thơ sẽ tăng cường sử dụng nhiều giải pháp mạnh trong thời gian tới, như: thanh tra theo kế hoạch, đột xuất, liên ngành; chuyển hồ sơ đến cơ quan công an…
Xử lý trường hợp cố tình nợ lương, nợ BHXH khiến người lao động thiệt thòi
Trong khi đó, ông Lê Văn Tư, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Phương Đông bày tỏ lo lắng khi những tháng đầu năm 2024, Cần Thơ có nhiều DN giải thể, nhiều người lao động rơi vào cảnh sống thấp thỏm, do giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, sợ bị cho thôi việc bất cứ lúc nào. Cần Thơ sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, ông Tư đặt vấn đề.
Trả lời ông Tư, ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Cần Thơ cho biết, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người lao động ở các DN không có đơn hàng. Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho DN và người lao động phục hồi phát triển kinh tế. Về phần Sở, đã phối hợp nắm bắt tình hình hoạt động, tiền lương, quan hệ lao động tại các DN. Những đơn vị khó khăn được khuyến khích đối thoại với người lao động. Những người mất việc được hỗ trợ chuyển đổi, giới thiệu việc làm mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, định hướng lớn của Cần Thơ là cải cách hành chính, thực hiện những dự án trọng điểm, đồng hành với DN. Bởi, DN phát triển thì lương bổng, chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động cũng sẽ nâng cao. Chia sẻ khó khăn với DN nhưng không quên tăng cường giám sát để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm nợ lương, nợ BHXH khiến người lao động thiệt thòi.
Bình luận (0)