Cần Thơ: Hy hữu hạt hồng xiêm lọt vào phổi bệnh nhân 26 năm

08/12/2021 11:12 GMT+7

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu 2 ca dị vật lọt vào phổi rất hy hữu; một ca bị hạt hồng xiêm lọt vào phổi 26 năm, một ca mắc xương cá trong phổi 9 tháng.

Hạt hồng xiêm bị "bỏ quên" trong phổi bệnh nhân 26 năm được các bác sĩ nội soi lấy ra

đình tuyển

Hy hữu không ngờ

Sáng 8.12, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Nội Hô hấp của bệnh viện vừa liên tiếp cấp cứu thành công 3 trường hợp bị dị vật rơi vào phế quản rất hy hữu. Trong đó, một trường hợp bị dị vật là xương cá mắc trong phổi suốt 9 tháng, một ca bị hạt hồng xiêm lọt vào phế quản 26 năm.

Trước đó, nam bệnh nhân P.T.T (69 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) được tuyến trước chuyển đến bệnh viện trong tình trạng mệt nhiều, ho đàm đục, khó thở tăng dần, sốt nhẹ, đau ngực phải nhiều, phổi phải giảm thông khí, kèm bệnh lý nội khoa, đái tháo đường loại 2.

Kết quả X-quang ngực ghi nhận bóng mờ vùng đáy phổi phải, nghi ngờ dị vật.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật cho bệnh nhân. Ê kíp do BS.CK1 Đặng Duy Thanh (Khoa Nội Hô hấp) thực hiện. Quá trình lấy dị vật gặp nhiều khó khăn khi dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt. Sau 90 phút nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là một hạt hồng xiêm nằm trọn hết thùy dưới phổi phải, niêm mạc phù nề, bơm rửa sạch phế quản thùy dưới phổi.

Hiện sau khi được lấy dị vật ra khỏi phổi, tình trạng bệnh nhân P.T.T tỉnh, không sốt, phổi thông khí tốt, giảm ho, các dấu hiệu lâm sàng cải thiện rõ

đình tuyển

Sau khi biết mình bị mắc dị vật là hạt hồng xiêm trong phổi, bệnh nhân nhớ lại, cách đây khoảng 26 năm từng bị ho sặc dữ dội sau khi ăn hồng xiêm. Cũng từ đó tình trạng ho xuất hiện rồi kéo dài nhưng cả bệnh nhân và người thân đều không ai nghĩ hạt hồng xiêm có thể lọt vào phổi gây ra những triệu chứng trên. Hiện sau khi được lấy dị vật, tình trạng bệnh nhân tỉnh, không sốt, phổi thông khí tốt, giảm ho, các dấu hiệu lâm sàng cải thiện rõ.

Tương tự, nữ bệnh nhân H.T.T (62 tuổi, ngụ H.Đông Hải, Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng ho đàm nhiều, khàn tiếng kéo dài, viêm thanh quản cấp, liệt dây thanh phải. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang ghi nhận tình trạng viêm phổi phải, nghi ngờ dị vật vị trí lòng phế quản thùy dưới phổi phải.

Mảnh xương cá lấy được các bác sĩ lấy ra khỏi phổi bệnh nhân H.T.T

đình tuyển

Ngày 6.12, sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Nội Hô hấp thực hiện nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật cho bệnh nhân. Sau 60 phút nội soi, các bác sĩ đã dùng kìm lấy được dị vật là chiếc xương cá khoảng dài khoảng 3 cm nằm gần hết lòng các phế quản thùy dưới phổi phải, gây viêm cấp phù nề niêm mạc thùy dưới phổi phải. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cũng ghi nhận, cách đây khoảng 9 tháng, bệnh nhân cũng từng bị cơn ho, sặc khi ăn cơm với cá. Tới sáng 8.12, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, giảm ho, phổi thông khí tốt.

Dễ bị nhầm lẫn và bỏ quên

Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dị vật khí phế quản là các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong khí phế quản, nếu không để ý và không được chẩn đoán sẽ thành dị vật bỏ quên. Dị vật khí phế quản có thể xảy ra trong tai nạn sinh hoạt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em gặp nhiều hơn người lớn.

Có hai đặc điểm, một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do đôi khi xảy ra thoáng qua; hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.

Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng lâu thì càng gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật gây nên tình trạng viêm phổi nghẽn tái đi tái lại, gây khó khăn khi lấy dị vật.

Dị vật phế quản có khi gây triệu chứng giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua

đình tuyển

Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dị vật phế quản cũng có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay các triệu chứng mạn tính như: nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân. Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Chính vì vậy, trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ cần nhai kỹ, nuốt chậm để phòng ngừa dị vật lọt vào đường thở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.