Cần Thơ lên phương án chi hơn 555 tỉ đồng để di dời dân tránh sạt lở

06/09/2018 20:11 GMT+7

TP.Cần Thơ đang lên phương án cho một kế hoạch di dời dân phòng tránh sạt lở được xem là quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 9.300 hộ dân phải di dời.

Chiều 6.9, UBND TP. Cần Thơ đã có cuộc họp cùng các quận, huyện, sở ngành về kế hoạch phòng chống sạt lở và kế hoạch bố trí ổn định dân cư tại các khu vực bi ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn.
Báo cáo của Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, từ năm 2010 - 2017, toàn Cần Thơ có 153 điểm sạt lở, với tổng chiều dài bờ sông bị cuốn trôi là hơn 6,1 km, đã có 4 người thiệt mạng vì sạt lở.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, Cần Thơ xảy ra tới 16 vụ sạt lở, làm sạt hoàn toàn và hư hại 53 căn nhà, ước thiệt hại 33,6 tỉ đồng...
Để giải quyết tình trạng trên, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho rằng giải pháp cấp thiết nhất, bền vững nhất là chủ động di dời dân ra khỏi vùng sạt lở; không cho xây dựng thêm nhà ven sông; tiến tới sẽ di dời toàn bộ nhà ở ven sông vào các khu tái định cư để ổn định đời sống người dân.
“Các địa phương phải làm nghiêm túc, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân tiếp tục xây dựng nhà sát sông thì trước hết Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm; Chủ tịch quận, huyện cũng chịu trách nhiệm theo”, ông Thống nói.
TP.Cần Thơ quyết liệt trong kế hoạch di dời dân tránh sạt lở Ảnh: Đình Tuyển

Sở NN - PTNT TP.Cần Thơ cho biết, nếu chỉ tính từ kênh cấp 2 trở lên thì hệ thống kênh rạch ở Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 1.837 km, tính cả hai bờ là 3.674 km.
Bờ sông dài cộng với tập quán dựng nhà ven sông rạch có từ xa xưa đã khiến số lượng nhà sát sông tăng nhanh, không chỉ gián tiếp gây sạt lở mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.
Theo kế hoạch bố trí dân cư tại các khu vực ảnh hưởng thiên tai, sạt lở, ước tính TP.Cần Thơ sẽ phải di dời tới 9.353 hộ dân với 37.306 nhân khẩu ra khỏi các khu vực bờ sông.
Trong đó, Cần Thơ chia ra làm hai giai đoạn, từ nay tới 2020 sẽ di dời 5.309 hộ. Để đáp ứng chỗ ở cho số lượng dân “khổng lồ”, thành phố sẽ xây dựng 6 cụm dân cư tập trung (1.620 hộ); bố trí xen ghép vào các tuyến dân cư trên địa bàn 33 xã, phường, thị trân (1.636 hộ); ổn định trên địa bàn các xã phường 2.053 hộ.
Bà Trần Thị Thu Trang, ở P. Thới An, Q.Ô Môn, Cần Thơ là một trong những hộ mất nhà do sạt lở hồi tháng 5 vừa qua Ảnh: Đình Tuyển
Tuy nhiên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, lưu ý, các địa phương cần lưu tâm đến việc nhiều hộ dân trước đây được di dời, bố trí tái định cư, nhưng sau một thời gian ở họ lại bán đất và về tái chiếm lại đất sát bờ sông để xây cất nhà.
Vì lẽ đó, các địa phương cần xem xét đến vị trí xây dựng các khu cụm dân cư cần đáp ứng được yêu cầu người dân có thể định cư lâu dài, bền vững, không ảnh hưởng nhiều đến sinh kế.
Ngoài các phương án công trình như kè đối với những đoạn sạt lở, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống đề nghị các quận huyện tích cực áp dụng giải pháp phi công trình, trong đó đáng chú ý có giải pháp trông cây xanh ven sông và giao cho người dân quản lý bảo vệ Ảnh Đình Tuyển
Để thực hiện được dự án “di dân” khổng lồ này, tổng nguồn vốn Cần Thơ ước phải bỏ ra là gần 555,4 tỉ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 255,8 tỉ đồng; địa phương gần 42 tỉ đồng, còn lại là vốn vay và huy động.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống cũng đề nghị các quận, huyện thực hiện các giải pháp phòng chống sạt lở, quan tâm tới các giải pháp mềm như giao dân trồng cây bần dọc bờ sông để giữ đất và tạo cảnh quan xanh cho bờ sông.
Riêng về giải pháp công trình, theo kế hoạch, từ nay đến 2020, TP.Cần Thơ sẽ xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ với tổng chiều dài là gần 22 km, tổng mức đầu tư hơn 2.444 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.