Cần Thơ ngập sâu kỷ lục không chỉ bởi triều cường, dự báo ngập hơn trong 2 ngày tới

10/10/2022 21:46 GMT+7

Triều cường tiếp tục dâng cao khiến đường phố nội ô TP. Cần Thơ ngập sâu, người dân vất vả đi lại. Dự báo 2 ngày tới, thành phố này có thể ngập sâu hơn mà nguyên nhân không chỉ bởi triều cường.

Đảm bảo an toàn trong ngập

Chiều tối 10.10, triều cường tiếp tục dâng cao, làm ngập hàng loạt truyến đường nội ô các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn của TP.Cần Thơ. Tình trạng ngập xảy ra ngay giờ cao điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của người dân…

Triều cường gây ngập nặng đường Trần Hưng Đạo, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ tối ngày 10.10

đình tuyển

Trên địa bàn Q.Ninh Kiều, các tuyến đường ngập nặng nhất gồm: Mậu Thân, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Huỳnh Cương, Hai Bà Trưng…

Người dân bị chết máy được lực lượng công an hỗ trợ dắt xe

đình tuyển

Bì bõm lội nước, đẩy xe giúp dân vượt triều cường lịch sử ở Cần Thơ

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ ghi nhận, mực triều cường vào sáng 10.10 đã đạt 2,21 m, vượt báo động 3 là 0,21 m. Trong khi đó, dự báo ngày 11 và 12.10, mực nước đỉnh triều có thể lên mức 2,25 m, tức xấp xỉ đỉnh triều cường lịch sử năm 2019.

Theo dự báo 2 ngày tới nước triều cường còn có thể dâng cao hơn đồng nghĩa với việc nội ô Cần Thơ có thể ngập sâu hơn, cuộc sống sinh hoạt của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn

đình tuyển

Để chủ động ứng phó với diễn biến của triều cường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ như: chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố sạt lở; tăng cường lực lượng, ứng trực để phân luồng tại các giao lộ và các điểm ngập sâu; kịp thời phân tuyến, phân luồng, điều tiết giao thông và làm nhiệm vụ hỗ trợ, cứu hộ xe của người dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với người, phương tiện qua lại…

Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã chỉ đạo toàn thành phố triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với triều cường, tránh thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân

đình tuyển

Các quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng phải tập trung kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo các đường cống chảy ngược vào đô thị; kiểm tra các nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè tránh hố sâu nguy hiểm; rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân…

Cần Thơ triều cường kỷ lục: Người rung đùi trong quán, người "bơi" bì bõm trên đường

Ngập sâu không chỉ bởi triều cường

Lý giải về tình trạng ngập nặng do triều cường tại TP.Cần Thơ năm nay, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết sông Tiền và sông Hậu chịu ảnh hưởng thủy triều biển Đông và nước sông Mê Kông đổ về. Hằng năm, sẽ có 3 đợt thủy triều dâng cao, đó là rằm tháng 8, cuối tháng 8 và rằm tháng 9 âm lịch. Đợt triều cường này chính là đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch (ngày 10 - 15.10 dương lịch).

“Nước triều từ biển vào “đụng” với đợt đỉnh lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến không chỉ Cần Thơ mà các đô thị từ quốc lộ 1A trở ra biển phải đối diện với đợt ngập nặng nhất trong năm”, ông Thiện nói.

Theo chuyên gia, Cần Thơ ngập nặng là bởi triều cường từ biển vào kết hợp với đỉnh lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về khiến mực nước dềnh lên cao

đình tuyển

Cũng theo chuyên gia này, nước lũ về nhiều còn do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina từ thượng nguồn và mới đây là ảnh hưởng bão số Noru. Ngoài ra, tình trạng đầu mùa không thấy lũ nhưng đến nay nước lũ lại đang dồn về ĐBSCL còn do các đập thủy điện thượng nguồn xả nước về sau khi đã hứng đủ lượng nước đầu mùa.

Triều cường dâng khiến nước từ dưới cống trào lên mặt đường Võ Văn Kiệt, TP.Cần Thơ chiều 10.10

đình tuyển

“Sự vận hành của các đập sẽ khiến cho thời gian mùa lũ về ĐBSCL sẽ bị chậm lại khoảng 2 - 4 tuần so với trước đây. Trong tương lai, triều cường, lũ hay thời tiết cực đoan sẽ có thể gây ngập nặng hơn khi những “căn bệnh nền” của ĐBSCL vẫn đang tiến triển đó là sụt lún bình quân mỗi năm 1,1 cm, có nơi 2,5 cm, cùng với đó là nước biển dâng 3 - 4 mm/năm”, ông Thiện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.