Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong tình hình mới.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển NƠXH, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, ngoài việc ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và chủ động cho các địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án NƠXH, Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; thực hiện trình tự thủ tục đầu tư dự án NƠXH theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch…
Trao đổi với Thanh Niên, TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết NƠXH đang trở thành vấn đề rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Hiện cả nước đã xây dựng 195.000 căn NƠXH, khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Nguyên nhân do thời gian vừa qua, công tác phát triển NƠXH gặp một số điểm nghẽn cả về khách quan lẫn chủ quan.
Trong đó, thủ tục hiện hành rất khó kêu gọi doanh nghiệp và các mô hình về chủ đầu tư để phát triển NƠXH. Do đó, cần chú trọng chính sách ưu tiên đặc thù để doanh nghiệp nhiệt tình tham gia đầu tư lĩnh vực này.
Về khung pháp lý, TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định rất cần sự đổi mới, ví dụ như bổ sung nguồn ngân sách; cải cách, đơn giản hóa thủ tục để các đối tượng dễ dàng tiếp cận, khai thác gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho NƠXH.
Ngoài ra, mỗi địa phương cần sớm hình thành khung pháp lý hoặc một đề án về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, phát triển NƠXH. "Về vấn đề này, Hà Nội đã ban hành rồi nhưng tôi thấy còn chung chung lắm. Hà Nội cần chính sách cụ thể hơn nữa", ông Nghiêm bày tỏ.
Đề cập đến dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý NƠXH đang được Bộ Xây dựng xin ý kiến, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng nội dung dự thảo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn vì văn bản pháp lý này được dự thảo theo quản lý chuyên ngành.
"Đối với tỉnh, thành phố có nhu cầu NƠXH cao cần xây dựng khung pháp lý phù hợp với địa phương của mình và mang tính chất liên ngành thì mới giải quyết, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc. Khi khung pháp lý được HĐND thông qua, ban hành thì các lĩnh vực tài chính, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên… đều thống nhất tuân theo", ông Nghiêm cho hay.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành - một công ty chuyên làm NƠXH tại TP.HCM, cho rằng các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư, phát triển NƠXH đã được đưa ra bàn luận rất nhiều trong thời gian qua. Theo ông, doanh nghiệp cần quy trình riêng cho NƠXH, một quy trình thật gọn.
"Quy trình rút gọn là không phải bỏ bước mà ghép các bước làm song song. Có thể làm một lúc nhiều thủ tục và đơn giản nhất. Đây là câu chuyện mà các doanh nghiệp đang mong chờ. Vì thời gian để thực hiện thủ tục pháp lý về NƠXH quá lâu", ông Nghĩa nói.
Bình luận (0)