Tại buổi họp báo về việc ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có 2 quốc tịch, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về việc ông Phạm Quốc lấy tiền đâu để mua quốc tịch và vì sao ông Quốc từng bị kỷ luật nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IPC.
Trả lời những câu hỏi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê, cho hay trong giai đoạn làm việc ở Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), ông Quốc đã bị kỷ luật khiển trách, sau đó ông được điều động về làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Hiện Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ cập nhật lại chi tiết các khoảng thời gian công tác của ông Quốc để xem xét lại việc bổ nhiệm đã chặt chẽ chưa.
Dù vậy, ông Khuê cũng nhìn nhận rằng nếu các vi phạm dẫn đến việc cán bộ phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách không làm biến chất cán bộ, hoặc giảm hiểu quả công việc thì cũng cần quan tâm để cán bộ sửa sai, tiếp tục hoàn thiện mình và đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ thấy sai và nỗ lực sửa sai, cố gắng đáp ứng được công việc thì cũng cần nhìn nhận, chứ không loại trừ cán bộ vì từng bị kỷ luật.
|
Về thông tin ông Quốc từng có đơn xin thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vào năm 2018, ông Khuê khẳng định thời điểm đó ông Quốc gửi báo cáo với Đoàn ĐBQH TP.HCM về việc đang chịu hình thức kỷ luật Đảng chứ không phải đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH.
Về nguồn gốc số tiền mà ông Quốc mua quốc tịch (báo chí đăng tải là khoảng 2,5 triệu USD), ông Khuê cho rằng "không nên đặt vấn đề đại biểu có 2,5 triệu USD từ đâu ra bởi cần phải tôn trọng lời của đại biểu là được gia đình bảo lãnh". Trong đơn gửi các cơ quan quản lý, ông Quốc nói rằng thông tin việc mua quốc tịch là không chính xác.
"Bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm làm sao cho bằng được tiền của đại biểu ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi euro để mua quốc tịch là không nên. Chỉ riêng việc không báo cáo kịp thời cho tổ chức đã không đúng quy định rồi”, ông Khuê đề nghị báo chí không "trượt quá" cho vấn đề này.
Bình luận (0)