Cần trả lại đúng tên cho danh nhân Hoàng Văn Nọn

14/04/2021 14:30 GMT+7

Trong các cuốn sách tiểu sử Nguyễn Thị Minh Khai, Tô Hiệu do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành mới đây, tên ông Hoàng Văn Nọn đều bị biến thành Hoàng Văn Nõn.

Hoàng Văn Nọn thành Hoàng Văn Nõn

Cụ thể, cuốn sách Nguyễn Thị Minh Khai tiểu sử do PGS.TS Lý Việt Quang chủ biên, tên Hoàng Văn Nọn bị thay bằng Hoàng Văn Nõn, xuất hiện ở các trang: 118, 123, 130, 137, 144, 146, 147, 157, và 228. Còn cuốn sách Tô Hiệu tiểu sử do PGS - TS Phạm Hồng Chương đứng đầu Ban biên soạn, tên Hoàng Văn Nõn xuất hiện ở các trang: 105, 109, và 110.
Ngoài ra, tên danh nhân Hoàng Văn Nọn đều bị sửa thành Hoàng Văn Nõn còn xuất hiện ở các sách khác của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật được phát hành gần đây như: Đồng chí Hoàng Văn Thụ nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930 – 1954)...

Sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật viết thành Hoàng Văn Nõn

ẢNH: K.M.S

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong lịch sử cách mạng Việt Nam những năm 1930 - 1940 không có ai mang tên Hoàng Văn Nõn mà chỉ có ông Hoàng Văn Nọn.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi, đại diện của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật lý giải về việc tên Hoàng Văn Nọn thành Hoàng Văn Nõn như sau: “Tên của ông là Hoàng Văn Nõn nhưng phát âm theo giọng Nghệ An là Hoàng Văn Nọn. Sau khi người chủ biên sách Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phát hiện tên thật của ông là Hoàng Văn Nõn thì Nhà xuất bản có thông báo đến các biên tập viên thống nhất sửa Hoàng Văn Nọn thành Hoàng Văn Nõn”.
Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn vì Hoàng Văn Nọn là người Cao Bằng không phải người Nghệ An thì làm sao lại liên quan đến việc phát âm của giọng Nghệ An. Khi chúng tôi đề nghị người đại diện của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết văn bản nào khẳng định Hoàng Văn Nọn là Hoàng Văn Nõn thì vị này trả lời “không có văn bản”.
Bà Hoàng Thị Hiếu, cán bộ hưu trí ngành y tế của tỉnh Cao Bằng, không giấu được sự ngạc nhiên khi tên của cha mình lại là Hoàng Văn Nõn. “Lần đầu tiên tôi được nghe thấy cái tên này”, bà Hiếu nói. Để chứng minh, bà Hiếu chuyển cho chúng tôi xem những tư liệu của Nhà nước về cha mình như Huân chương Hồ Chí Minh, hồi ký Đi họp Quốc tế Cộng sản… thì tên gọi và các bí danh của ông là Hoàng Văn Nọn, Hoàng Vĩnh Tuy, Hoàng Lương Hữu, Tú Hưu, Văn Tân, Thiết. Không thấy có tài liệu nào ghi tên Hoàng Văn Nõn.

Toàn bộ tên Nọn bị sửa thành Nõn

ẢNH: K.M.S

Trao đổi với chúng tôi, ông Bế Thanh Tịnh – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, cho biết: Tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã có đường phố mang tên đồng chí Hoàng Văn Nọn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Thường vụ BCH Trung ương Đảng khóa I, bí danh Hoàng Như. “Ông chỉ có tên Hoàng Văn Nọn chứ không hề có tên Hoàng Văn Nõn”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định.
Ngày 30.5.1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông cũng ghi rõ: “Truy tặng đồng chí Hoàng Vĩnh Tuy (Hoàng Văn Nọn)…”.

Hoàng Văn Nọn là ai?

Bà Hoàng Thị Hiếu chia sẻ với chúng tôi tiểu sử người cha của bà như sau: Ông Hoàng Văn Nọn sinh năm 1906 tại bản Nà Toàn, xã Đề Thám, huyện Hòa An, nay thuộc thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Theo các tư liệu lịch sử Đảng của Trung ương và địa phương ghi lại, ngày 1.4.1930, Hoàng Văn Nọn tổ chức lễ kết nạp 2 đồng chí: Lê Đoàn Chu (bí danh Lê Mới, Nam Cao), Nông Văn Đô (bí danh Bích Giang, Cát Lợi) vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Cao Bằng tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Chi bộ do Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ này ra đời được đánh giá như một Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Cao Bằng những năm 1930 - 1933. Đến tháng 7.1933, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra quyết định công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do ông Hoàng Văn Nọn làm Bí thư.
Nhờ hoạt động tích cực, cuối năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định cử Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Hoàng Văn Nọn làm đại biểu chính thức tham gia đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Moscow (họp tháng 7.1935). Tới Moscow (Nga), ông Hoàng Văn Nọn và bà Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu vào học Trường Đại học Phương Đông.

Huân chương Hồ Chí Minh (1998) ghi rõ: “Truy tặng đồng chí Hoàng Vĩnh Tuy (Hoàng Văn Nọn)…”

ẢNH: K.M.S

Trong thời gian học tập, ông Nọn tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản và đọc bản tham luận về vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng. Kết thúc Đại hội, ông tiếp tục học đến năm 1937 thì được bố trí về nước. Ông Lê Hồng Phong cử ông Hoàng Văn Nọn làm Đặc phái viên của Trung ương về nước có nhiệm vụ củng cố Liên xứ ủy Trung - Bắc Kỳ.
Giữa năm 1937, ông Nọn về Cao Bằng rồi xuống Hà Nội gặp các đồng chí Xứ ủy cũ sau đó triệu tập cuộc họp bầu lại Liên xứ ủyTrung - Bắc Kỳ do Hoàng Văn Nọn làm Bí thư.
Cuộc đời hoạt động cách mạng hăng hái, sôi nổi, có những năm dài phải chịu cảnh tù đày ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) song ông vẫn thể hiện niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Nhật đảo chính Pháp, ông Nọn vượt ngục, tiếp tục hoạt động, tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945.
Ông Hoàng Văn Nọn đã trải qua nhiều vị trí công tác sau ngày đất nước độc lập. Năm 1961, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng. Năm 1968 ông qua đời.
Tên tuổi của các danh nhân, nhân vật lịch sử, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước không thể tùy tiện sửa đổi mà cần có sự nghiên cứu khoa học, thống nhất với gia đình cùng các cơ quan chức năng. Vì vậy, cần trả lại đúng tên cho danh nhân Hoàng Văn Nọn như nguyện vọng của bà Hoàng Thị Hiếu - con gái ông.
Ông Lý Việt Quang – Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tỏ ra băn khoăn chưa biết “vì sao tên cụ Nọn lại bị chuyển thành Nõn”. Ông khẳng định trong bản thảo gửi đến nhà xuất bản vẫn ghi tên cụ là Hoàng Văn Nọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.