Đội cứu hộ nhanh chóng lên đường và rồi gặp nạn. Thông tin từ hiện trường cho hay cả hai nhóm người bị nạn đều có chung một nguyên nhân là bị các vụ lở núi vùi lấp.
Chuyện lũ lụt sẽ kéo dài trong nhiều ngày đã được cảnh báo trên đủ các loại phương tiện từ nhiều ngày trước đó, không hiểu sao chỉ huy công trường lẫn “ông chủ” thủy điện này vẫn để hàng chục công nhân bám trụ ngay tại hiện trường? Điều cần rút ra là gì? Đó là tuyệt đối không được “bám” các công trình xây dựng ở vùng cao trong mùa mưa lũ. Ngoài các cánh rừng bị “xuống tóc” lâu nay nên xảy ra lũ quét, việc san ủi đường, làm cho các ngọn đồi bị hổng chân, tạo thuận lợi cho các vụ “trượt núi” cũng thường xuyên hơn. Nhà cửa của công nhân, kể cả của kiểm lâm, thường được làm tựa vào các vách núi vừa mới san ủi, vô tình trở thành “miếng mồi” cho các vụ sạt lở.
Nhớ hồi năm 1999, cũng mưa lũ nhiều ngày thế này, hàng chục giáo viên và nhân viên của huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bị kẹt xe giữa đèo nên đành “qua đêm” trong một căn lán làm đường do công nhân để lại. Trận lở núi đêm đó đã cuốn phăng căn lán cùng hàng chục nạn nhân xuống suối. Trong khi công nhân, họ quá rành các vụ trượt đất này nên không ở lại lán.
Đồng bào thiểu số cũng chẳng bao giờ “qua đêm” trong các căn lán dựng ngay dưới các ngọn đồi bị san ủi như thế cả. Điều đó cắt nghĩa vì sao hàng ngàn nóc nhà của đồng bào thiểu số tựa lưng vào dãy Trường Sơn nhưng rất hiếm khi họ thành nạn nhân trong các vụ sạt lở.
Hoặc là họ đã dời làng trước đó nếu cảm thấy nguy hiểm, hoặc là họ chẳng bao giờ đào xới để tìm mặt bằng và làm nhà dưới chân các ngọn đồi cả. Mùa mưa vẫn còn dài nên các vụ lở núi cũng sẽ còn tiếp diễn. Cần phải hết sức cẩn trọng.
Bình luận (0)