Cẩn trọng khi tắm biển

14/05/2020 08:02 GMT+7

Mặc dù đẹp, nhưng các bãi biển ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình) tiềm ẩn không ít nguy hiểm, kèm với sự chủ quan của người đi tắm nên đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm.

Nhiều vụ đuối nước

Ngày 11.5, ông Nguyễn Đình Hợp (ở P.Hải Thành, Đồng Hới) dẫn PV Thanh Niên ra bãi tắm Nhật Lệ, đoạn trước khu vực tượng đài đường Trương Pháp và thuật lại câu chuyện 2 cháu nhỏ đuối nước được ông cứu sống.
Ông Hợp kể: “Sáng 10.5, khi tôi và ông Trần Văn Tấn (ở cùng phường) đang tắm thì nghe tiếng một phụ nữ kêu cứu gần đó. Tôi nhìn ra ngoài biển, thấy 2 đứa trẻ đang với tay chấp chới”. Ông Hợp gọi ông Tấn cùng ra cứu. Ông Hợp bơi ra, dìu 1 cháu vào giao cho ông Tấn đưa lên bờ. Khi bơi ra lần nữa, ông không thấy cháu thứ 2 đâu cả, liền lặn xuống. Rất may, ông kịp phát hiện cháu bé đang chìm dần, liền lấy hết sức kéo cháu lên rồi đưa vào bờ an toàn.
Ông Hợp cho biết 2 cháu là anh em bà con ở P.Đồng Sơn, học lớp 2 và lớp 3. Người phụ nữ kêu cứu (mẹ của 1 trong 2 cháu) kể lại, vì nước cạn nên chị cùng 2 cháu nhỏ lội ra cồn cát nổi ở ngoài xa để chơi. Khi đang tắm thì thủy triều lên, cát dưới chân như bị trôi đi; chị cao lớn nên thoát được, 2 cháu nhỏ mắc kẹt lại.
Cẩn trọng khi tắm biển1

Cứu hộ tại bãi biển Nhật Lệ không có người trực như quy định (ảnh chụp sáng 11.5)

Theo người dân địa phương, khu vực biển Nhật Lệ kéo dài ra biển xã Quang Phú từng xảy ra các vụ đuối nước. Mới đây, sáng 1.5, một du khách quê Thanh Hóa cùng người anh xuống tắm ở biển Quang Phú đã bị nước cuốn trôi. Dù được chính quyền, lực lượng biên phòng, công an, quân sự địa phương huy động phương tiện cứu hộ nhưng không thành.
Trước đó, vào tháng 6.2019, cũng tại biển Quang Phú, 2 thanh niên quê ở xã Lộc Ninh (Đồng Hới) tử nạn do đuối nước. Còn vào tháng 3.2019, có 2 du khách ở Hà Nội bị sóng cuốn ở biển Nhật Lệ nhưng may mắn được các đoàn viên đang tham gia hoạt động gần đó cứu sống.

Cứu hộ bãi tắm ở đâu?

Một chi tiết đáng lưu ý, vị trí 2 cháu nhỏ ở P.Đồng Sơn bị đuối nước ngày 10.5 gần như nằm ngay trước nhà làm việc của tổ cứu hộ bãi biển thuộc Ban Quản lý các bãi tắm biển TP.Đồng Hới. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra nhưng những người làm công tác cứu hộ gần như không hay biết.
Ông Hợp cho biết: “Ngay sau đó, chúng tôi đến nhà cứu hộ thấy có mấy người đang ngồi uống nước trà khuất ở mặt đối điện đường Trương Pháp. Chúng tôi chất vấn việc cứu hộ thì họ chỉ tay vào bảng quy định về tắm biển cắm gần đó, nói: Mục 4 quy định tắm biển đã ghi trẻ em dưới 15 tuổi tắm biển phải có người lớn đi kèm và quản lý. Khi chúng tôi phản ứng mạnh thì họ mới xin lỗi”.
Khoảng 9 giờ sáng 11.5, PV Thanh Niên đến 3 nhà làm việc của tổ cứu hộ ở biển Nhật Lệ nhưng cũng không có một ai trực. Trên các ghế canh, chòi canh và bãi biển cũng không thấy có bóng dáng đội cứu hộ nào. Trong khi theo quy định, thời gian trực cứu hộ buổi sáng từ 5 - 10 giờ, buổi chiều từ 15 - 19 giờ. Bảng nội quy làm việc treo trên tường nhà của tổ cứu hộ cũng ghi rõ: Trực và làm việc đúng giờ, đúng vị trí đã quy định, không được bỏ vị trí; xử lý các tình huống người bị nạn nhanh chóng, kịp thời…
Làm việc với PV, bà Đoàn Thị Hồng Phương, Phó trưởng ban Quản lý các bãi tắm biển TP.Đồng Hới, cho biết chưa nghe nói về trường hợp 2 cháu nhỏ được cứu sống ngày 10.5. Giải thích về tình trạng “vắng” nhân viên cứu hộ sáng 11.5, bà Phương cho rằng đội cứu hộ có 12 người hợp đồng thời vụ, mặc dù đã nhắc nhở, động viên nhiều nhưng tác phong làm việc của họ chưa tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.