Như xoay đầu, lắc cổ mỗi khi mỏi, hay chế độ ít vận động, thậm chí hầu hết các ca nữ trẻ đột quỵ nhập viện đều có liên quan đến thuốc tránh thai.
Trước thực trạng đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và mới đây Bệnh viện Đà Nẵng cho biết trong hơn 1 tuần liên tục tiếp nhận các ca đột quỵ, trong đó đáng lưu ý là nhóm nguyên nhân bệnh lý mạch não như phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch gây xuất huyết não ở những người trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Thái Huy, Khoa Thần kinh Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, đã có những chia sẻ để làm rõ hơn về các nguyên nhân đột quỵ trẻ hóa, cũng như lời khuyên dành cho người trẻ để hạn chế thực trạng trên.
Bác sĩ Huy thăm khám cho bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ vì thói quen lắc đầu, bẻ cổ |
NỮ VƯƠNG |
Những thói quen không tốt cần bỏ ngay
Bác sĩ Huy cho biết theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ dao động từ 10 - 15% trên tổng số người bệnh đột quỵ chung. Tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, năm 2021 có khoảng 1.200 ca thì có 93 ca đột quỵ người trẻ, còn từ đầu năm đến tháng 8.2022 thì trong 822 ca đã có khoảng 89 ca đột quỵ người trẻ.
Theo bác sĩ, ở người trẻ có một số nhóm nguyên nhân đặc biệt hơn, như nhóm bệnh lý về huyết học, tiền căn gia đình có ghi nhận yếu tố tăng đông; hay nhóm có vấn đề về bệnh van tim, tồn tại lỗ thông trong tim. Nhóm nguy cơ khác hay thấy ở người trẻ là đau đầu kiểu mạch máu, còn gọi là đau đầu Migraine kiểm soát cơn kém, tần suất tái phát cao. Bên cạnh đó, giới trẻ hay lạm dụng chất kích thích, làm tăng huyết áp gây vỡ mạch máu não, xuất huyết não. Một số thói quen trong sinh hoạt như ít vận động thể lực, hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) cũng là yếu tố góp phần gây tai biến.
Bác sĩ Huy đặc biệt lưu ý đến nguyên nhân bóc tách mạch máu, do chấn thương vùng đầu cổ thậm chí với tác động rất nhẹ như những thói quen thường ngày lúc mỏi cổ rồi xoay đầu, bẻ cổ nhẹ cũng rất nguy hiểm.
Ở phụ nữ trẻ, bác sĩ Huy đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố uống thuốc ngừa thai: “Thuốc ngừa thai dạng phối hợp trên những đối tượng nguy cơ cao như hút thuốc lá, thừa cân, bệnh lý tim mạch nền có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khi đang uống thuốc ngừa thai mà xuất hiện đau đầu, kém đáp ứng thuốc giảm đau, yếu tay chân, co giật thì nên đi khám ngay, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não”.
Bác sĩ cũng cho biết nếu có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì thuốc ngừa thai dạng phối hợp làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ví dụ như người nữ trẻ uống thuốc ngừa thai, có đau đầu Migraine kiểm soát kém, thừa cân, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá… càng nhiều yếu tố thì nguy cơ sẽ gia tăng tương ứng. Do đó, việc sử dụng thuốc ngừa thai nên được cân nhắc bởi bác sĩ sản phụ khoa.
Phẫu thuật bóc tách lấy toàn bộ búi dị dạng mạch máu não bằng kính vi phẫu tại Bệnh viện Đà Nẵng |
AN QUÂN |
“Thời gian là não, mất thời gian là mất não”
Theo bác sĩ Huy, điều trị đột quỵ chia theo từng giai đoạn: giai đoạn cấp, giai đoạn hồi phục và giai đoạn phòng ngừa. Trong điều trị đột quỵ, điều quan trọng nhất là được đưa đi cấp cứu trong khung “thời gian vàng” từ 4,5 - 6 tiếng đầu.
Một vấn đặt ra là thường người trẻ sẽ không nghĩ mình bị đột quỵ nên xu hướng đến bệnh viện trễ hơn so với người lớn tuổi. Người trẻ nhiều khi có những dấu hiệu nhưng lại bỏ qua, ỷ y và không bao giờ nghĩ mình bị đột quỵ, dẫn đến đi viện trễ, qua khung giờ vàng để điều trị. Đây là điều rất đáng tiếc mà bác sĩ Huy muốn đặc biệt lưu ý đến các bạn trẻ.
“Việc điều trị đột quỵ có kết quả tốt nhất là ở khung giờ vàng, chính vì thế, việc người trẻ cần nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ là rất quan trọng. Càng tới sớm thì việc cấp cứu càng tốt vì cứ 1 phút trôi qua là 2 triệu tế bào não chết đi. Thời gian không phải là vàng nữa mà trong điều trị đột quỵ thời gian được ví là não, thời gian mất là não mất”, bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng chỉ ra các dấu hiệu của đột quỵ như méo miệng, yếu xụi tay chân, thay đổi giọng nói (nói ngọng, nói đớ, mất khả năng diễn đạt hoặc thông hiểu lời nói). Đặc điểm những dấu hiệu này thường xuất hiện đột ngột, phân bố nửa bên người, kéo dài hơn 1 giờ.
Làm tốt những điều này sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ
Bác sĩ Huy cho biết Migraine kháng trị là nguy cơ đột quỵ người trẻ, do đó với người trẻ bị đau đầu Migraine kéo dài, nên tuân thủ điều trị cũng như thay đổi chế độ sinh hoạt (ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý), không nên chủ quan với tình trạng đau đầu này.
Người trẻ cần phải vận động để ngăn ngừa đột quỵ |
nỮ vƯƠNG |
“Người trẻ bây giờ căng thẳng, lo lắng, ngủ nghỉ không đủ giấc, thậm chí thời tiết, chu kỳ kinh nguyệt và một số thức ăn… cũng là những yếu tố góp phần khởi phát cơn Migraine, nếu điều trị không tốt có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị đột quỵ”, bác sĩ Huy chia sẻ. Thêm nữa, thói quen ít vận động nên tỷ lệ mắc những bệnh lý chuyển hóa, tim mạch trẻ hóa dần, là một trong những nguyên nhân làm đột quỵ xu hướng trẻ hóa.
“Giờ người trẻ ít vận động sẽ kéo theo bệnh tăng huyết áp cũng bị sớm hơn, bệnh tiểu đường dễ xuất hiện hơn thì đột quỵ theo đó mà trẻ hóa dần. Chế độ vận động hợp lý, giúp làm ổn định huyết áp, đường huyết thì sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ đến sớm. Nên vận động là yếu tố rất quan trọng”, bác sĩ Huy lưu ý.
Bên cạnh đó, bác sĩ Huy khuyên người trẻ nên bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, cả thuốc lá điện tử, sử dụng các chất kích thích, lạm dụng rượu bia. Đặc biệt là thói quen có hại cho mạch máu như lắc đầu, bẻ cổ khi mỏi, vì vùng cổ, nơi các mạch máu từ tim đến cấp máu cho não là cấu trúc nhạy cảm với các tác động vật lý bên ngoài. Thậm chí, với các lực tác động nhỏ vào vùng cổ cũng có thể gây ra tình trạng bóc tách mạch máu, làm tắc mạch máu não gây ra đột quỵ.
“Sau những chấn thương, có thể không phải chấn thương nặng, cũng có thể chỉ là bẻ đầu, lắc cổ nhẹ thôi nhưng sau đó đột ngột thấy đau đầu, đau vùng cổ, kèm theo những dấu hiệu khiếm khuyết thần kinh như choáng váng, chóng mặt, đi lại chao đảo khó khăn thì coi chừng là có vấn đề mạch máu ở vùng cổ nên phải chú ý. Nếu làm việc bị đau mỏi cổ, thường do căng cơ chỉ nên dùng tay để xoa nhẹ nhàng, chứ không nên bẻ đầu, lắc cổ”, bác sĩ Huy khuyên và cho biết thực tế có rất nhiều ca người trẻ chỉ lắc đầu nhẹ thôi nhưng bị đột quỵ luôn.
Bình luận (0)