Cần trường tốt, thầy giỏi

30/11/2018 08:01 GMT+7

Nhiều ý kiến thẳng thắn về hiện trạng giáo dục ĐH, CĐ trong nước đã được các kiều bào nêu ra tại hội nghị 'Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM' do Ủy ban Về người VN ở nước ngoài tại TP.HCM tổ chức chiều 29.11.

Đủ điều kiện đào tạo 10.000 nhưng hiện có 26.000 sinh viên
Phát biểu tại hội nghị, GS-TS Đặng Lương Mô (ĐH Hoise Tokyo, Nhật Bản) cho rằng điều kiện để có một trường ĐH thực sự chất lượng rất đơn giản: “Chỉ cần có trường tốt, người thầy giỏi sẽ tự nhiên thu hút được sinh viên (SV) giỏi”. Trong đó, “Điều kiện đầu tiên là phải xây dựng trường đầy đủ, đừng để SV phải xuống sàn hay ra ngoài hành lang. Thực tế có nhiều trường SV phải ngồi ngoài hành lang, ghế đá, dưới gốc cây chứ không có phòng ngồi học. Mặc dù theo tôi biết Bộ GD-ĐT đã có tiêu chuẩn rõ ràng, 1 SV cần diện tích từ 6 - 10 m2”, ông Mô nói.
GS-TS Đặng Lương Mô cho biết thêm, các trường ĐH ở VN nếu đi sâu vào từng điều kiện mà Bộ áp đặt cũng chưa ổn. Theo yêu cầu của Bộ, các trường đào tạo kỹ sư thì 1 thầy chỉ dạy từ 10 - 15 SV và phải có ít nhất 50% số thầy phải có bằng tiến sĩ và thạc sĩ. Nhưng đây chỉ là điều kiện cho mở trường chứ không phải với một trường ĐH có bề dày lịch sử.

Theo ông Mô, hiện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 930 giảng viên, trong đó 47% có bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Với số lượng trên, trường chỉ được phép đào tạo từ 10.000 - 15.000 sinh viên, nhưng hiện số SV trường đang ở mức 26.000. Đây cũng là một trong 18 trường ĐH mà Bộ đã nêu tên là vượt chỉ tiêu so với quy định.
“Nếu so sánh với một trường ĐH Tokyo, giảng viên chỉ có bằng tiến sĩ mới được lên bục giảng; một thầy chỉ dạy 5 - 7 SV, vì vậy họ có tới 10 giải Nobel ở nhiều lĩnh vực như hóa, y, văn học...”, ông Mô nhấn mạnh.
Chương trình quá hàn lâm
Nhìn nhận từ kinh nghiệm thực tế, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định chương trình đào tạo ĐH trong nước hiện đang quá hàn lâm. Ông Tống minh họa nhận định này bằng chương trình đào tạo ngành cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các môn khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất nhỏ (12% trong 142 tín chỉ toàn chương trình).
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thừa nhận ngay bậc phổ thông chương trình học còn hàn lâm, chưa mang tính đột phá nên không triển khai được các phương pháp học tập mới, dẫn đến học sinh thụ động từ nhỏ. Bên cạnh đó, do áp lực lớn về chỗ học nên cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhưng phải tập trung xây dựng các trường học thông minh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thiện Tống, để giải quyết vấn đề việc làm của SV tốt nghiệp ĐH phù hợp với ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo không nên hướng vào từng chuyên ngành quá hẹp mà phải theo mô hình ngành rộng để SV sau khi tốt nghiệp có khả năng tự đào tạo để chuyên môn hóa thêm dần trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, chương trình cũng không nên quá cứng nhắc mà cần linh động để có thể cho phép SV thay đổi ngành chuyên môn trong quá trình đào tạo.
Trường đào tạo mà không quan tâm xã hội cần gì
Ông Peter Hồng, Chủ tịch BankPay VN, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, cũng thông tin nước Úc hiện có khoảng 33.000 SV VN theo học và phải trả từ 1,4 - 1,5 tỉ USD mỗi năm. “Ngoài số tiền học, chúng ta còn phải trả tiền ăn ở, đi lại cho con em. Nhưng có bao nhiêu SV trở về phục vụ cho đất nước? Ngành giáo dục cần đặt vấn đề từ đây để nghĩ cách thu hút người học trở về”, ông Hồng nói.
“Là một doanh nhân, tôi hơi buồn khi nhận một SV công nghệ thông tin vào làm thì phải đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm. Các trường cứ đào tạo mà không quan tâm xã hội đang cần gì”, ông Hồng bổ sung.
Tiến sĩ Bùi Văn Minh (kiều bào Pháp) nhận xét ưu điểm của SV VN là chăm học, chịu khó, nhưng thiếu tự tin, khả năng sáng tạo mà chỉ tập trung vào chuyện lấy bằng cấp. Các trường ĐH thì thiếu phòng học, phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hùng (kiều bào Đức) đặt vấn đề: “Có nhiều lý do khiến SV thiếu kinh nghiệm thực tế. Bộ thử xem lại giáo sư ở các trường ĐH bao nhiêu người có kinh nghiệm, kỹ nghệ trước khi giảng dạy?”.
Tiền thưởng tới 1 tỉ đồng để thu hút người tài
Ngày 29.11, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho hay UBND TP đã trình HĐND TP về chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2018- 2022 (gồm: nhóm khoa học và công nghệ, nhóm hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, nhóm dịch vụ công, nhóm văn hóa - nghệ thuật và thể dục - thể thao).
Người được tuyển chọn sẽ nhận hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng, sinh hoạt phí hằng tháng từ 20 - 50 triệu đồng/người (đã bao gồm tiền lương hằng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo lương) và nhà ở. Ngoài ra, người được tuyển chọn cũng hưởng thêm chính sách tiền thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Giá trị tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. Ngoài ra, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, mức độ đóng góp và giá trị, tầm cỡ của thành tích, giải thưởng đạt được, người có tài năng đặc biệt được hưởng mức tiền thưởng tương xứng với công trạng cá nhân, tối đa 1 tỉ đồng/người.  
 Bích Thanh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.