Ngày 15.1, bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Y tế Q.10 (TP.HCM), cho biết UBND Q.10 đã có báo cáo tổng kết chiến dịch cao điểm 45 ngày kiểm tra, xử lý cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB) chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn quận năm 2024.
Theo đó, trong chiến dịch, Q.10 đã kiểm tra 168 cơ sở còn hoạt động, xử phạt 51 cơ sở với tổng số tiền 1,56 tỉ đồng. Hành vi vi phạm nhiều nhất là cung cấp dịch vụ KCB không có giấy phép hoạt động và quảng cáo không phép; không thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định.
Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh không đúng với lĩnh vực đăng ký ban đầu, dùng chiêu bài "thần thánh hóa" các phương pháp làm đẹp, nhằm lôi kéo những khách hàng nhẹ dạ vì mục đích lợi nhuận. Các cơ sở đào tạo học viên (chưa đủ điều kiện) thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tiêm chất làm đầy, lấy máu tự thân (PRP), sử dụng laser... để thực hiện các kỹ thuật liên quan đến hoạt động KCB...
Tuy nhiên, khó khăn là các loại hình cơ sở dịch vụ chăm sóc da đa số sử dụng các kỹ thuật liên quan đến thẩm mỹ, xâm lấn, tìm mọi cách tránh né kiểm tra. Một số cơ sở bất chấp các quyết định
xử phạt vi phạm hành chính, có kèm đình chỉ hoạt động, đóng cửa chuyển sang nơi khác… Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là một số cá nhân, đơn vị vì động cơ lợi nhuận, bất chấp hành vi vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với cơ sở hoạt động KCB không phép, hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề, quảng cáo không phép... Các cơ sở kinh doanh trái phép vẫn còn xu hướng chuyển vào các địa điểm như khách sạn, nhà trọ, khu chung cư cao cấp để tránh né cơ quan quản lý nhà nước…
Bên cạnh giải pháp truyền thông, quản lý và kiểm tra xử lý, UBND Q.10 kiến nghị các sở, ngành, TP.HCM nghiên cứu đưa vào xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức KCB khi chưa được cấp phép hoạt động; hành nghề nhưng không có giấy phép hành nghề; cá nhân, tổ chức ngang nhiên hoạt động KCB trong thời gian cơ sở đang bị đình chỉ.
Bình luận (0)