Cần xử nghiêm lãnh đạo công ty hạ nhục, xúc phạm người lao động

28/09/2022 05:21 GMT+7

Liên quan vụ giám đốc Công ty TNHH liyama Seiki Việt Nam dán văn bản thông báo sa thải nhân viên kèm ảnh minh họa một người bị kéo cắt cổ, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc và đề nghị pháp luật nghiêm trị hành vi hạ nhục người khác.

Như Thanh Niên thông tin, ngày 26.9, đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Iiyama Seiki Việt Nam (thuộc KCN VSIP trên địa bàn H.Thủy Nguyên), công đoàn công ty và một số công nhân đại diện người lao động, để xác minh và làm rõ các thông tin đang gây bức xúc dư luận về việc công ty làm sai luật, đe dọa công nhân.

Trụ sở Công ty Iiyama Seiki Việt Nam

CTV

Nội dung buổi làm việc nêu rõ, hai công nhân Trịnh Quang Vinh và Nguyễn Văn Thuấn có đơn xin nghỉ việc từ ngày 23.9, được công ty đồng ý cho nghỉ từ ngày 24.9. Chiều 23.9, giám đốc công ty này ký và dán thông báo sa thải 2 công nhân trên kèm hình ảnh minh họa một người bị kéo cắt cổ.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, khẳng định: “Công nhân Vinh, Thuấn có đơn xin nghỉ, công ty đồng ý ký vào đơn xin nghỉ và ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc công ty dán thông báo sa thải kèm hình ảnh kéo cắt cổ là không đúng quy định, làm cho công nhân bức xúc”.

Ngoài sự việc trên, tập thể công nhân Công ty Iiyama Seiki cũng có đơn phản ánh bị giám đốc chèn ép, đối xử không đúng với luật pháp Việt Nam khi thường xuyên vào nhà vệ sinh chụp ảnh công nhân đưa lên các nhóm nội bộ công ty; tự ý ra vào phòng nghỉ của công nhân trong giờ nghỉ để kiểm tra, gây mất giấc ngủ và quyền riêng tư của công nhân.

Thông báo sa thải công nhân kèm theo hình ảnh minh họa kéo cắt cổ người gây bức xúc dư luận

T.N

Hành xử kém văn minh

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi của giám đốc Công ty TNHH Iiyama Seiki Việt Nam và cho rằng đây là hạ nhục, xúc phạm người lao động, cần phải bị pháp luật chế tài. “Là lãnh đạo công ty mà lại có hành vi này thì thật đáng lên án. Các bạn không thể cậy quyền rồi muốn làm gì thì làm. Đây là hành vi xúc phạm người lao động, cần bị xử lý chứ không thể xin lỗi cho qua chuyện. Người lao động cũng là cộng sự của các bạn, tại sao lại cư xử kém văn minh như vậy?”, BĐ Tinh Vân lên án.

Cùng quan điểm, BĐ Phi Phương ý kiến: “Có ăn có học mà cư xử kém văn minh, vô đạo đức. Anh chị có nghĩ đến cảm xúc của người khác khi đọc được dòng thông báo này hay không? Hạ nhục, xem thường người lao động đến thế là cùng, thử hỏi còn ai dám cộng tác với các anh chị nữa. Ban lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm trước hành vi xấu xí của mình”.

BĐ Kim Ánh viết: “Cho tôi hỏi hành vi này có phải đang vi phạm pháp luật, xúc phạm người lao động hay không? Các bạn không tôn trọng người lao động thì sẽ chẳng ai dại dột đi hợp tác cùng. Dù đồng tiền quan trọng thật nhưng giá trị con người cũng cần phải đề cao. Tôi thấy hành vi này cần được xử lý để làm gương”.

“Công ty và người lao động ký kết hợp tác làm việc trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi chứ đâu phải kiểu đi ăn xin hay bố thí. Nếu không còn vui vẻ hợp tác thì chia tay chứ sao lại hành xử như vậy. Đây rõ ràng là hạ nhục, chèn ép người lao động đến cùng. Mong pháp luật lấy lại công bằng cho người lao động”, BĐ Nguyễn Đăng bày tỏ.

Cần nghiêm trị hành vi xúc phạm người khác

Không chỉ bức xúc lên án mà nhiều BĐ đề nghị pháp luật mạnh tay xử lý những hành vi xấu xí này. “Tôi khá bất ngờ vì lãnh đạo công ty mà cách cư xử quá kém, thử hỏi có đáng tôn trọng hay không? Đây là hành động hạ thấp giá trị con người, xúc phạm đối tượng lao động nên cần phải phạt nặng. Các anh chị hoạt động ở đâu cũng phải tuân thủ pháp luật cũng như quyền cơ bản của người lao động”, BĐ Hoàng Khánh ý kiến.

Hành động xem thường xúc phạm người lao động, không thể xin lỗi rồi cho qua. Nếu không mạnh tay xử lý sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiếp theo.

Đức Cảnh

Quá coi thường người khác. Cần xử lý nghiêm. Trong vụ việc này sao chưa thấy vai trò, trách nhiệm của công đoàn công ty trong việc bảo vệ người lao động vậy?

Quang Huy

Trong một số tình huống chúng ta có thể nhẫn nhịn cho qua. Tuy nhiên ở trường hợp này tôi ủng hộ người lao động đi tới tận cùng sự việc. Ngoài lấy lại danh dự, bảo vệ bản thân thì cũng là để bảo vệ những người lao động khác.

Minh Khôi

Tương tự, BĐ Bảo Dung viết: “Biết là người lao động đi làm vì cơm áo gạo tiền nhưng không vì thế mà các anh chị có quyền xúc phạm, chà đạp hay đe dọa họ. Làm việc gì cũng phải xuất phát từ sự tôn trọng của cả hai bên, chứ không có chuyện cậy quyền thế rồi tự cho mình cái quyền xúc phạm người khác. Hành động này cần lên án và xử lý nghiêm, không thể để người lao động chịu thiệt thòi như vậy”.

“Lãnh đạo công ty này cần bị xử lý thật nghiêm để làm gương, chứ không thể cậy quyền chà đạp người khác. Thử hỏi nếu không có người lao động, các bạn có thể sản xuất và có được cơ ngơi như hiện tại hay không? Hợp đồng lao động là sự hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì dừng cộng tác, chứ tại sao lại xúc phạm người ta thế này”, BĐ Nhật Tiến ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.