Để không phạm quy định, nhiều trường buộc phải tìm mọi cách “lách luật”, nên dù có cấm, việc dạy thêm - học thêm vẫn diễn ra “danh chính ngôn thuận”.
Liên kết với trung tâm bên ngoài làm bình phong
Với các trường THCS, quy định hiện hành không cấm tổ chức dạy thêm, nhưng muốn tổ chức thì phải được phòng GD-ĐT các quận huyện cấp phép, quản lý...
Hiệu trưởng một trường THCS danh tiếng ở Hà Nội chia sẻ: “Trường tôi có nhiều giáo viên (GV) giỏi và được phụ huynh của rất nhiều nơi “săn đón” gửi gắm con học thêm. Nếu theo như quy định hiện hành, tâm lý chung của GV không muốn dạy thêm tại trường và bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định trong khi mức học phí cho dạy thêm, học thêm bị khống chế nên thu nhập chỉ bằng một phần rất nhỏ so với kinh phí mà GV nhận được nếu tự dạy thêm ở nhà hoặc dạy dưới danh nghĩa một trung tâm nào đó”.
Theo vị hiệu trưởng này, để tận dụng được chất xám của GV, đôi khi nhà trường cũng phải tìm cách lách luật để GV dạy thêm có mức kinh phí cao hơn. Ví dụ, “làm ngơ” để GV đưa học sinh (HS) của mình ra trung tâm hoặc đến nhà dạy thêm, hoặc cho GV mượn phòng học ở trường để dạy thêm ngoài giờ dưới hình thức bồi dưỡng HS giỏi. Việc thu chi đều được thực hiện ngầm theo thỏa thuận giữa GV và HS. Mức thu này cao không kém so với việc HS học ở trung tâm bên ngoài, từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi/HS và hầu hết HS trong lớp đều tham gia. Với những GV thực sự giỏi thì phụ huynh nào cũng muốn gửi con dạy thêm và mức học phí phải như vậy mới “giữ chân” được họ.
tin liên quan
Càng cấm, dạy thêm - học thêm càng tăngDù thời gian qua ngành giáo dục có chủ trương thay đổi đề thi nhằm giảm áp lực, hạn chế học sinh học thêm... nhưng thực tế số lượng học sinh học thêm tăng mạnh, nhiều lớp dạy thêm 'cháy' chỗ.
Quy định hiện hành chỉ khống chế trần học phí với việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường nhưng với các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường thì không hề bị ràng buộc. Do vậy, không ít trường THCS tại Hà Nội thay vì xin cấp phép tổ chức dạy thêm - học thêm thì liên kết với trung tâm dạy thêm bên ngoài nhà trường, mượn họ làm bình phong để vẫn tổ chức dạy trong trường nhưng lại không bị ràng buộc bởi những quy định dạy thêm trong nhà trường. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì trung tâm phải chịu trách nhiệm chứ không phải nhà trường.
Không ít trường THCS như Thái Thịnh, Nguyễn Trường Tộ... thay vì xin cấp phép để tổ chức dạy thêm - học thêm theo đúng quy định thì lại để cho một trung tâm bồi dưỡng văn hóa vào đứng tên để tổ chức, quản lý việc dạy thêm cho HS của mình. Thực tế thì trung tâm chỉ đứng ra thông báo hoặc thu tiền… còn phòng học, GV… vẫn hoàn toàn là nguồn lực của trường. HS lớp nào vẫn học đúng giáo viên đó, hầu như không có thay đổi gì so với giờ học chính khóa.
Không cho học sinh học 2 buổi/ngày để... dạy thêm !
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không ít trường THCS có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS nhưng đã không làm như vậy.
Các trường lấy lý do HS ở lứa tuổi này có diễn biến tâm sinh lý phức tạp, nếu học bán trú cả ngày ở trường sẽ khó quản lý hoặc do phụ huynh có nhu cầu cho con học một buổi ở trường và một buổi để con được học thêm ở ngoài với những GV mà gia đình lựa chọn phù hợp... Lý do này đưa ra có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, một nguyên nhân lớn hơn khiến các trường THCS không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là để tổ chức dạy thêm - học thêm (quy định hiện hành nêu rõ không được phép dạy thêm - học thêm với những lớp đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
tin liên quan
Dạy thêm một học sinh cũng phải xin phépNgày 7.9, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp giao ban các cơ sở dạy thêm học thêm cùng lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện.
Khó quản lý giáo viên dạy ngoài nhà trường
Theo quy định hiện hành, các GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà các GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý thầy cô giáo đó.
Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho biết, do Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT không quy định về quy chế phối hợp giữa trường phổ thông và các trung tâm để quản lý việc dạy thêm - học thêm nên hiệu trưởng gặp khó khăn trong việc quản lý GV dạy thêm ngoài nhà trường. Rất ít GV báo cáo với hiệu trưởng về việc họ dạy thêm ở bên ngoài ra sao, có dạy HS của mình hay không. Hiệu trưởng thì không thể đi đến các trung tâm để “bắt quả tang” HS hay GV của mình đang dạy thêm - học thêm thế nào.
Ngoài ra, quy định hiện hành không cho phép GV được tổ chức các lớp và trung tâm dạy thêm bên ngoài nhà trường. Tuy nhiên, thực tế hơn 5 năm qua cho thấy, đây là quy định mà GV dễ lách nhất.
Không ít GV ở các trường danh tiếng của Hà Nội là chủ các trung tâm dạy thêm cho mọi lứa tuổi ở ngoài nhà trường. Dù phụ huynh ai cũng biết họ chính là người điều hành trung tâm ấy, nhưng trên giấy tờ, đăng ký cấp phép thì họ chỉ là người làm thuê cho trung tâm nào đó và người đứng tên có thể là người thân của GV đó, hoặc người mà họ thuê... (Còn tiếp)
Nhờ người đứng tên để dạy thêm
Quy định GV không được tổ chức nhưng được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cũng gây ra những tình huống khó lường.
Một GV có tiếng tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) được nhiều phụ huynh không chỉ trong quận mà các quận lân cận cũng muốn cho con em theo học. Để không vi phạm quy định, GV này phải nhờ một GV về hưu đứng tên xin mở cơ sở dạy thêm - học thêm với giá vài triệu đồng.
Còn trong cuộc họp giao ban giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với các cơ sở dạy thêm vào đầu tháng 9, một cán bộ Phòng GD Q.Thủ Đức cho biết, trên địa bàn rất ít cơ sở dạy thêm, thậm chí có phường không có cơ sở nào. Trong khi đó, đây là một trong những quận, huyện có số lượng HS đông nhất TP.HCM và nhu cầu học thêm rất lớn. Thế nhưng, vì không có nhiều cơ sở dạy thêm mà GV không được tự tổ chức nên GV muốn dạy thêm cũng không biết tìm cơ sở nào để đăng ký. Phụ huynh của quận than phiền và tìm mọi cách xoay xở... cho con em học thêm ở quận khác!
Bích Thanh
|
Bình luận (0)