Càng chậm mở cửa, sẽ mất thêm 1 năm đón khách sang đến từ châu Âu

07/12/2021 21:24 GMT+7

Là lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành lớn, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist cho biết, doanh thu của doanh nghiệp năm nay “ráng lắm” cũng chỉ đạt 7% so với năm 2019.

Cố lắm cũng chỉ đạt 7% doanh thu so với năm 2019

Thông tin tại buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” của Báo Thanh Niên ngày 7.12, ông Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, năm 2019, doanh nghiệp đón 160.000 khách quốc tế, sang năm 2020 (tính đến 14.3 - thời điểm đóng các chuyến bay quốc tế vì dịch Covid-19 - PV) đón được 36.000 khách. Trong năm 2021 thì không có khách du lịch nào. Theo đó, doanh thu của công ty năm 2019 đạt trên 5.000 tỉ đồng đã rớt xuống còn 25% với khoảng 1.300 - 1.500 tỉ đồng trong năm 2020. “Năm nay 2021, nếu phấn đấu lắm chắc chỉ đạt 7% so với năm 2019. Lợi nhuận thì 2 năm qua âm nặng”, ông Yên thông tin.

Ông Trương Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group

đào ngọc thạch

Về nhân sự, ông Yên cũng cho biết doanh nghiệp có 1.200 nhân sự hoạt động tại 18 chi nhánh trên cả nước. Đến nay, dù đã nỗ lực rất nhiều cũng phải giảm 30% nhân sự, còn lại 70%. Số này cũng hoạt động hết sức linh hoạt, có nghề tay trái, đi dạy, đặc biệt hướng dẫn viên quốc tế. Tuy nhiên, ông nói, họ vẫn hoạt động kết nối với doanh nghiệp. Thế nên, so với các đơn vị lữ hành khác buộc phải đóng cửa, giảm 50% nhân sự, đối với Lữ hành Saigontourist giữ được 70% nhân sự là nỗ lực rất lớn.

Từ những thực tế trên, ông Yên khẳng định: “Đến nay không thể không mở cửa du lịch nữa. Sau 2 năm, doanh nghiệp không còn gì, nếu doanh nghiệp lữ hành hoạt động, họ sẽ mang về nuôi sống nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… Doanh nghiệp lữ hành là thu hộ chi hộ. Nếu doanh nghiệp nào còn vốn, sẽ gượng dậy được, không thì có thể bơm ít cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên, tham gia hội chợ quốc tế… Nếu mở cho đường bay thương mại trở lại, bảo đảm doanh nghiệp lữ hành sẽ sống lại, kéo các ngành khác phát triển theo. Đặc biệt, trong giai đoạn trước và sau tết, nguồn khách Việt kiều là nuôi sống du lịch nội địa, trong nước khách nội địa có tâm lý lo lắng chưa dám đi, khách Việt kiều mong được về, trong khi các chuyến bay hồi hương quá ít và chi phí quá cao… TP.HCM tiêm mũi 2 hơn 80%, không còn lý do gì để sợ mà không mở”.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist Group

đào ngọc thạch

Với các đối tác ở nước ngoài, ông Yên cho biết, công ty vẫn làm việc với các tập đoàn du lịch thế giới, đặc biệt tàu biển, chúng tôi chuẩn bị dịch vụ cho họ, nhưng do không có lịch mở cửa cụ thể, họ hủy đến tháng 5.2022. Nay nếu không ra thời hạn, họ hủy đến cuối năm là coi như mất du lịch biển năm 2022. Một số tập đoàn du lịch lớn ở châu Âu lại hủy tiếp, mùa hè sẽ sang các nước khác trong khu vực vì họ có nhiều lựa chọn và không thể ngồi chờ Việt Nam mở cửa mà không rõ khi nào. Trong khi công ty lữ hành thường mất 6 tháng để làm việc, nếu có lịch bây giờ thì đến tháng 10.2022 mới đón được khách, chậm nữa sẽ dời tiếp sang năm 2023, trong khi lượng khách đó có mức chi tiêu rất cao.

Ngoài ra, tháng cuối năm, thời điểm cho du lịch MICE trong nước. Tháng 12 năm nay công ty mới tổ chức được 8 đoàn, doanh thu 8 tỉ đồng. Trong khi mọi năm tháng cuối năm doanh thu từ du lịch MICE khoảng 400 - 500 tỉ đồng.

Nên chú trọng du lịch biển và đường bộ

Trước đó, ông Trương Đức Hùng - Phó tổng giám đốc Saigontourist Group dùng từ “hụt hẫng” khi so sánh thời điểm cuối năm 2019, lúc “đỉnh cao” của du lịch, khách lúc nào cũng đông từ khách du lịch, khách tiệc, hội nghị… nhân viên làm việc không có ngày nghỉ để so với thực tế lúc này là không có một khách nào.

Từ đó, ông Hùng đưa ra một số kiến nghị: Triển khai tiêm chủng vắc xin bao phủ - điểm then chốt để có khách an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn, nhân viên an toàn… mới tạo niềm tin cho khách hàng. Ông kể, vừa rồi, đoàn 200 khách Hàn Quốc đến Phú Quốc về đánh giá rất tốt môi trường du lịch của chúng ta, họ sẽ tổ chức những chuyến đi như vậy nữa sau khi đánh giá biến thể Omicron xong. Kiến nghị Chính phủ nên mạnh dạn cho đón khách quốc tế đến Việt Nam đặc biệt đến TP.HCM và Hà Nội - hai cửa ngõ quan trọng để đón khách quốc tế vào Việt Nam. Ngoài khách quốc tế qua đường hàng không, đón khách quốc tế qua đường biển, đường bộ rất quan trọng, nên chú ý nguồn khách vào Việt Nam theo 2 tuyến này.

Ngoài ra, trong chiến lược mở cửa du lịch, cần có một nhạc trưởng điều hành xuyên suốt từ cấp Chính phủ trên xuống dưới, có thể là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng làm trưởng ban cùng các bộ ngành, địa phương tham mưu quyết liệt hơn. Cuối cùng, kiến nghị quảng bá tiếp thị hình ảnh Việt Nam điểm đến an toàn, đề nghị Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông ra quốc tế. Trong nỗ lực phục hồi, chính sách ưu đãi thuế cần kéo dài, doanh nghiệp cần có vốn để chăm lo quảng bá thương hiệu, cơ sở vật chất và nhân viên…

Ông Yên cũng kiến nghị nên có trang web của Tổng cục Du lịch cập nhập tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cập nhật cho khách trong nước biết trước, để họ có kế hoạch, tự đánh giá độ an toàn để du lịch; sớm mở đường bay thương mại; các đơn vị du lịch vận chuyển nên được giảm thuế VAT từ 10% xuống 7% áp dụng hết 2022 chứ không chỉ 2 tháng cuối năm nay…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.