Càng có nhiều quỹ đất càng khổ

14/02/2019 07:35 GMT+7

Đó là nghịch lý đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp bất động sản trên thị trường hiện nay.

Khổ vì dự án dở dang

Tôi đã từng nghe anh Sáu Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP) nói doanh nhân cũng là con người, ngày ăn ba bữa, nhưng khi làm dự án thì phải hầu từng cán bộ sở ngành, chưa nói đến lãnh đạo.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết những tháng cuối năm 2018, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) bắt đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan thủ tục hành chính. Ngay cả dự án hồ sơ pháp lý đúng, các sở ngành cũng không dám ký mà phải hỏi nhau, thậm chí hỏi ý kiến T.Ư trước khi ký duyệt.
“Những năm trước đây hồ sơ một dự án phải mất 3, thậm chí 5 năm mới xong. Đó là trong bối cảnh cơ quan chức năng mắt nhắm mắt mở ký duyệt cho DN để hỗ trợ. Nhưng nay thủ tục, hồ sơ pháp lý được kiểm duyệt chặt chẽ hơn sẽ khiến khâu làm pháp lý một dự án kéo dài hơn rất nhiều. Điều này sẽ làm cho các DN có nhiều quỹ đất chưa hoàn thành thủ tục pháp lý thêm khó khăn hơn vì vốn đã chôn vào đất rất lớn. Chậm một ngày là lãi vay, chi phí vốn, cơ hội tăng lên rất nhiều”, vị này cho biết.
Lãnh đạo Công ty địa ốc Tecco thở dài rằng trong năm 2018, DN này không ra được dự án nào dù có 4 - 5 quỹ đất tại TP.HCM. Dự kiến trong năm 2019 chỉ ra được 1 dự án ở quận 12. Đơn vị này có nhiều quỹ đất, đặc biệt là đất còn đang dang dở về giải phóng mặt bằng nên đang tiến thoái lưỡng nan. “Có quỹ đất giờ đây chưa hẳn đã là một lợi thế, trái lại có thể trở thành bất lợi khi mà nó trở thành gánh nặng về tài chính. Chính vì vậy, hiện nay các DN đang ráo riết đi săn các dự án đã hoàn thiện pháp lý có thể đưa vào kinh doanh được ngay dù giá có đắt một chút”, vị này nói.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát, phân tích hiện nay các DN BĐS đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý không thể hoàn thành khiến việc vay vốn ngân hàng không khả thi, kéo theo đó là vốn huy động từ khách hàng cũng không thể thực hiện được.
Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán theo Thông tư 36 và Chỉ thị 01. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn và dự báo còn có thể giảm trần này xuống 35%, thậm chí 30% và cũng có thể nâng hệ số rủi ro trong các khoản nợ BĐS lên đến 250% hoặc cao hơn (hiện nay, hệ số rủi ro là 200%). Vì thế, các DN BĐS gặp nhiều khó khăn tài chính trong thời gian tới, nhất là các DN đang có nhiều quỹ đất pháp lý dở dang.

Tháo thủ tục để hỗ trợ DN

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định dự án chậm triển khai khiến chi phí vốn tăng lên từng, giờ ngày. “Công ty CII, mới than vãn với tôi một năm vừa rồi không làm được gì vì các dự án bị rà soát, kiểm tra. Nhiều DN cũng nói họ không thể triển khai dự án vì không hoàn thành quyết định chủ trương đầu tư khi Sở Kế hoạch - Đầu tư không nhận hồ sơ hoặc nhận hồ sơ qua mạng rồi chưa xử lý. Nếu có quyết định chủ trương đầu tư rồi các sở ngành cũng không làm các bước tiếp theo”, ông Châu kể và cho biết do áp lực về việc mua đất từ tiền huy động, vay mượn từ các nguồn khác, nên mỗi ngày dự án đứng tại chỗ, không ai giải quyết thì chi phí vốn gốc và chi phí lãi vay là gánh nặng khủng khiếp đối với DN.
Trong lần gặp gỡ các DN BĐS mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã thẳng thắn thừa nhận các DN BĐS “rất khổ” khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án. Một phần là do hạn chế của bộ phận tham mưu, làm máy móc, áp dụng không đúng hoặc do luật còn nhiều kẽ hở. Thậm chí có hiện tượng DN khi làm dự án phải hầu từng cán bộ sở, ngành.
“TP muốn phát triển phải dựa vào sự phát triển của DN. Vì vậy, TP sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Tuyến khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.