Các doanh nghiệp (DN) VN đang đối diện nghịch lý là ASEAN càng tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại thì các thành viên của khối lại tăng cường biện pháp phòng vệ, dựng thêm hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.
Mất 1 năm cho giấy chứng nhận
Để xuất khẩu hàng hóa vào các nước ASEAN khác, DN trong khu vực cần có giấy chứng nhận xuất xứ Form D để được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Giấy này được cấp theo từng lô hàng trong thời gian từ 3 - 5 ngày làm việc sau khi tàu rời cảng. Nhưng quan trọng hơn, theo Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty cổ phần cao su miền Nam (Casumina) Lê Thu Hương, nhiều nước bắt buộc phải có thêm chứng nhận hợp chuẩn của riêng mình. Ví dụ như Malaysia yêu cầu bắt buộc phải có chứng nhận Emark hoặc M/S, Indonesia buộc phải có SNI, Thái Lan yêu cầu TSI... Thời gian để có được các giấy chứng nhận loại này mất từ 9 tháng - 1 năm, tùy nước và thậm chí, nước sở tại cử người sang tận công ty để kiểm tra thực tế. Chưa kể chi phí để có chứng nhận là rất cao và hằng năm phải làm thủ tục gia hạn khiến hoạt động xuất khẩu có thể bị gián đoạn nếu gia hạn bị chậm trễ vì lý do nào đó.
Vì vậy nhiều DN nản chí hoặc bị giảm cơ hội tiếp cận thị trường. “Hầu hết các nước đều đã áp dụng các giấy chứng nhận hợp chuẩn đối với sản phẩm của nước ngoài nếu muốn nhập khẩu vào nước họ. Việc này gây khó khăn cho các công ty VN khi muốn xuất khẩu, làm tốn thêm chi phí cho thủ tục, dẫn đến giá thành sẽ không cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa của nước sở tại. Trong khi đó, VN lại chưa áp dụng rào cản hợp chuẩn cho sản phẩm tương tự”, bà Lê Thu Hương chia sẻ.
Thị trường ASEAN được xem là mảnh đất màu mỡ để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thép VN. Nếu như năm 2010, VN mới chỉ xuất khoảng 700.000 tấn thép các loại vào các nước trong khu vực thì đến 2015 đã xuất khẩu trên 2 triệu tấn. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng này dẫn đến cuộc chiến cạnh tranh gay gắt và nhiều nước đã tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh các thủ tục như có chứng nhận xuất xứ thì còn phải đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng của nước sở tại. Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, ở một số nước, thủ tục kéo dài lâu ngày, lên mức hàng tháng khiến hoạt động xuất khẩu bị chậm trễ. Từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng cũng như đôi khi bị vi phạm hợp đồng. Tất cả những điều đó cũng làm gia tăng thêm chi phí, gây giảm sức cạnh tranh của sản phẩm VN. Đặc biệt, một trong những thách thức và lo ngại lớn là các biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng. Trên thực tế, trong thời gian qua, các sản phẩm tôn, thép của VN liên tục phải chống chọi với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đến từ các quốc gia trong khu vực. Cụ thể đã có tới 6 vụ kiện về sản phẩm thép, trong đó 3 vụ do Malaysia và 3 vụ do Thái Lan khởi xướng.
Tăng cường hàng rào kỹ thuật
Để có thể gia tăng xuất khẩu vào các thành viên ASEAN khác, bà Lê Thu Hương cho rằng các DN phải tìm hiểu kỹ những quy định về sản phẩm, phòng thí nghiệm, nhà xưởng... trong hồ sơ đăng ký giấy hợp chuẩn của từng quốc gia. Thậm chí, có trường hợp phải thay đổi lại điều kiện phòng thí nghiệm để có thể vượt qua các bài kiểm tra của họ. Vì nếu có sơ sót sẽ rất phức tạp và khó khăn trong việc xin cấp chứng nhận hợp chuẩn. Nếu không được cấp giấy này thì con đường xuất khẩu đã bị đóng lại với DN.
Phó chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM Trần Việt Anh nhận xét nhiều nước liên tục đưa ra các quy định về chất lượng nhằm đòi hỏi sản phẩm có chất lượng kỹ thuật cao mới được phép nhập. Trong khi đó, đây là điểm yếu của nhiều sản phẩm VN nói chung. Vì vậy, bản thân DN cần phải thay đổi, điều chỉnh để tự nâng sức cạnh tranh. Ngược lại, VN cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện hàng rào phi thuế quan để bảo vệ người tiêu dùng VN tránh hàng hóa kém chất lượng, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước.
Chuyên gia Ngô Trí Long nhận định: “Thị trường thế giới đã bước vào giai đoạn dỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan. Do đó mỗi nước đều chuyển sang áp dụng hàng rào phi thuế quan để bảo vệ thị trường và người tiêu dùng nội địa. Tiêu chuẩn cao hay thấp là tùy thuộc vào mỗi nước như Singapore, Malaysia sẽ có tiêu chuẩn khác với thị trường Lào, Philippines, Campuchia...”. Theo ông, bản thân VN cũng có những tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng đôi khi các cơ quan kiểm soát không thực hiện nghiêm các quy định, buông lỏng quản lý nên để hàng hóa kém chất lượng, hàng gian hàng giả tràn vào thị trường nội địa hay tình trạng gian lận thương mại khiến hàng hóa trong nước bị ảnh hưởng. “Vì vậy DN trong nước phải tự nâng cao chất lượng để đảm bảo đúng yêu cầu của các nước. Còn các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện chế tài nghiêm để đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh công bằng, hàng hóa đến tay người dùng phải có chất lượng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Bình luận (0)