Càng lớn, tình bạn ngày càng xa cách?

23/11/2018 15:16 GMT+7

Nhiều người trẻ cho biết từng có tình bạn rất thân thời học THPT. Thế nhưng khi vào đại học, tình bạn ấy tự nhiên nhạt dần.

Ngày càng nhạt dù từng thân
Thanh Ngân, sinh viên Trường ĐH Lao động xã hội - cơ sở 2 (TP.HCM), cho biết: "Ngày học THPT, đi đâu cũng túm chụm cùng nhau, giống như hình với bóng. Có chuyện gì, dù là khó nói nhất, cũng tâm sự cho nhau nghe. Nhưng rồi lên đại học, cả tuần, thậm chí cả tháng mới nói chuyện với nhau một lần. Thậm chí những cuộc gọi, những lần nhắn tin cho nhau cũng vội vàng, được vài ba câu. Có cảm giác như càng lớn lên, thì những mối quan hệ, dù từng thân quen, cũng vơi dần".
Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp tự thấy rằng khi không còn bên cạnh, không còn học cùng lớp, cùng trường, hoặc cùng một tỉnh thành, thì những tình bạn tự khắc có khoảng cách.

"Mình có nhiều người bạn từng thân thiết, và từng hứa với nhau, dù sau này, có người thành công, có người thất bại, có người giàu người nghèo đi chăng nữa, thì vẫn là bạn tốt của nhau, vẫn là nhóm bạn thân. Thế nhưng lời hứa ấy hình như đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lần gọi điện thoại không được, cũng chẳng được bạn gọi lại. Hay như có khi nhắn tin, thấy bạn đã xem nhưng chẳng nói gì. Lẽ nào khi khoảng cách xa nhau thì tình bạn cũng có khoảng cách?", Minh Vương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thắc mắc.
Thử hỏi nhiều sinh viên, có cảm thấy khi đã bước vào đại học, thì những tình bạn đã từng có thuở THPT phải chăng nhạt dần? Phần lớn ý kiến đều thừa nhận đó là điều có thât.
"Có thể, khi vào môi trường học tập mới, có những tình bạn mới, thì những tình bạn cũ bị lãng quên. Hoặc có thể, vì không được học cùng nhau, không phải ngày nào cũng ngồi chung lớp, nên cứ thế, theo thời gian, những mối quan hệ bị ảnh hưởng", Vũ Tiến, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.
Để tình bạn gắn kết
Vẫn có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Theo Thu Như, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thì: "Đã là bạn bè tốt, thì dù cho ở bất cứ nơi đâu, hai người ở hai nước khác nhau, học không chung trường, thì vẫn mãi là bạn. Mà điều quan trọng là, tự mỗi người cần có những động thái để duy trì tình bạn đó".
Theo Như, không khó để gắn kết với nhau, bằng cách hãy giữ thói quen "buồn vui luôn kể" như thời học sinh. Cùng ở xa nhà, cùng thiếu thốn tình cảm gia đình khi trọ học xa quê, nếu như hay hỏi thăm nhau, kể chuyện nhau nghe chuyện trường lớp, chuyện cuộc sống, thì chắc chắn tình bạn sẽ được gắn kết nhiều hơn, chứ không phải là ngày càng xa cách. 
Đồng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trung Tính (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM), cho biết có nhiều cách để duy trì mối quan hệ tình bạn.
"Thay vì mình chờ đợi người bạn liên lạc, gọi, nhắn tin cho mình, thì tại sao không chủ động làm điều đó. Thay vì trách móc, cảm thấy tình bạn ngày càng xa cách như thế, thì hãy nhấc điện thoại gọi cho bạn, hỏi thăm sức khỏe, hỏi về chuyện học. Hoặc nhắn tin qua Zalo, gọi điện thoại video trên Facebook để xem những người bạn 'chí cốt' đang như thế nào, có khỏe không, có đẹp trai xinh gái hơn không", ông Tính nói.
"Hoặc có thể lấy lưu bút tuổi học trò ra, xem lại ngày sinh của những người bạn thân. Đến dịp sinh nhật của bạn, gọi điện thoại hoặc gởi món quà tặng bạn, gởi những hình ảnh cũ từng chụp chung thuở THPT, hay kể cho nhau nghe lại những kỷ niệm từng có... Chắc hẳn điều đó làm cho bạn không những bất ngờ mà cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy tình bạn với họ được trân trọng", ông Tính chia sẻ.
Vị chuyên gia tâm lý này cũng chia sẻ thêm: "Có thể lên kế hoạch rủ bạn bè cùng lớp, hay những người bạn cũ đang học ở các trường khác nhau, trọ ở những quận khác nhau, cùng gặp gỡ, tổ chức ăn uống, vui chơi vào mỗi dịp cuối tuần. Duy trì thói quen ấy đều đặn, chắc chắn sẽ không có cảm giác 'những tình bạn ngày càng xa lạ' nữa. Những cuộc gặp gỡ ăn uống vui chơi như thế, không những giúp cho những tình bạn ngày càng mặn nồng hơn, thân thiết hơn, mà còn là cơ hội để cho các bạn trao đổi kiến thức, tài liệu học tập...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.