'Căng não' với bữa ăn bán trú 27.000 đồng

27/10/2022 06:05 GMT+7

Thực đơn chỉ có canh, món mặn; và nếu giá cam đắt thì thay bằng nước chanh, nước tắc; một trái chuối có khi chia đôi... là cách các trường tính toán bữa ăn cho học trò.

Tính toán đi chợ sao cho đủ tiền

Tại một điểm của Trường mẫu giáo Bông Sen 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) vào giờ ăn trưa một ngày giữa tháng 10, gần 50 trẻ lần lượt xếp hàng nhận suất ăn trưa trong cái nóng hầm hập dưới mái tôn thấp. Trên bàn ăn là 3 thố cơm, thịt heo kho mặn, canh rau xanh thịt bằm và tráng miệng là một trái chuối cau.

Không giấu giếm, bà Lý Thị Kim Nga, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Bông Sen 1, cho hay: “Dù thực đơn được xây dựng theo nguyên tắc không trùng lắp trong 2 tuần và đảm bảo khoảng 3 bữa cá/tuần nhưng bữa trưa hằng ngày của các con hầu như chỉ có 3 món là cơm, canh và đồ mặn. Hôm nào cân đối được thì có thêm món xào”.

“Món tráng miệng hay nước uống bổ sung nhà trường cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Nhiều khi giá cam đắt thì các cô pha nước chanh, nước tắc cho các con uống thay thế. Còn trái cây, chẳng hạn như chuối, nếu loại trái vừa thì mỗi con một trái, nếu trái bự thì chia đôi…”, bà Kim Nga cho biết thêm.

Nữ hiệu trưởng cho biết nhà trường phải “căng não” để lên thực đơn, tính lượng calo, cân đối tiền ăn. Trường quy định bữa sáng 6.000 đồng, ăn trưa với ăn xế và một cữ sữa uống buổi sáng tổng cộng là 27.000 đồng, ăn ngày nào đóng tiền ngày đó. Bà Nga phân tích: “Với số tiền đó, trường tính toán choàng qua, cố gắng xoay tròn số tiền để đạt khẩu phần cho bé, chứ tính cụ thể từng bữa bao nhiêu thì không nổi”.

Bữa ăn của học sinh Trường mẫu giáo Bông Sen 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) với canh rau, thịt kho mặn với giá 27.000 đồng/ngày gồm cả bữa xế

B.THANH

Tại Trường mầm non 2.9 (H.Hóc Môn, TP.HCM), bữa trưa của khoảng 600 trẻ hôm PV Thanh Niên đến cũng bao gồm cơm, canh khoai tím và món mặn là tôm tươi xào bắp non. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Hiệu phó phụ trách bán trú của trường, cho biết mức thu bữa sáng là 8.000 đồng, còn bữa trưa và xế là 28.000 đồng/ngày. “Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm thì khi lên thực đơn chúng tôi phải “căng não” vì phải đảm bảo đủ số loại thực phẩm, không được trùng lắp và đặc biệt phải “đi chợ” đủ tiền”, bà Thảo chia sẻ.

Giá cả tăng nhưng tiền ăn vẫn giữ nguyên

Theo bà Lý Thị Kim Nga, UBND H.Hóc Môn đồng ý cho thu mức tiền ăn mỗi ngày (không bao gồm bữa sáng) tối đa là 28.000 đồng, nhưng do trường đóng ở khu vực mà phụ huynh đều là lao động tự do nên trường chỉ thu 27.000 đồng. “Mức thu này đã giữ nguyên từ 3 năm nay. Sau dịch bệnh, vật giá tăng, muốn xin phụ huynh tăng thêm 1.000 đồng mà không dám vì ai cũng khó khăn và ngành giáo dục cũng thông báo giữ ổn định các mức thu, nên nhà trường đành cố gắng”, bà Nga nói.

Với mức thu này, bà Nga chia sẻ: “Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ thì phải cân đối hết sức. Nếu không đủ tiền thì sẽ đổi thực phẩm khác sao cho đủ mức dinh dưỡng tương đương”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo thì cho rằng mức thu tiền ăn khác nhau ở mỗi quận, huyện, mỗi bậc học, khu vực. Đây là khoản tiền thực hiện theo nguyên tắc thu hộ chi hộ nên mỗi trường sẽ lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh, sao cho không vượt mức quy định.

Bà Thảo cũng nhìn nhận mức thu như vậy nên phải tính toán “căng” lắm. “Nhiều khi muốn cho bữa ăn của các con tốt hơn một chút, nhà trường từng đề nghị tăng tiền bữa ăn sáng chút thôi mà có phụ huynh không đồng thuận, nên chúng tôi cũng không dám”, bà Thảo cho hay.

Do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn bán trú tại chỗ nên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn học sinh. Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đơn vị cung cấp suất ăn phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Bữa cơm trưa hằng ngày của trường bao gồm cơm, canh, rau xào, món mặn và thực đơn thay đổi hằng tuần, trong đó cố định thứ sáu có mì Ý, cơm tấm, pizza…

Với mức thu tiền ăn 40.000 đồng/ngày gồm bữa trưa và xế, lãnh đạo trường này cho biết có sự thỏa thuận với phụ huynh. Sau dịch bệnh, vật giá leo thang, bà Trang cho hay bên cung cấp đề cập đến chuyện tăng giá suất ăn nhưng trường luôn phải giải thích, phải ráng theo mặt bằng chung.

Bữa ăn của học sinh Trường mầm non 2.9 (H.Hóc Môn, TP.HCM) gồm canh khoai tím và món mặn là tôm tươi xào bắp non với giá 28.000 đồng/ngày gồm cả bữa xế

bích thanh

Tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất

Đề cập đến cơ chế giám sát và nguồn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho hay ngoài việc phụ huynh được tham gia vào quá trình giám sát dinh dưỡng, vệ sinh thì nhà trường giao phó hiệu trưởng cùng bộ phận y tế, cấp dưỡng kiểm tra thực phẩm đầu vào. Nhà trường ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đơn vị được công bố đủ điều kiện cung cấp trên hệ thống của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.

Poll TNO
Đánh giá cơm bán trú trường học

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong kế hoạch công tác y tế trường học, Sở đã có những chỉ đạo và những quy định cụ thể về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hằng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong các căng tin, bếp ăn tập thể…

Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học với các hình thức như tự kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra ở cấp quận, huyện, tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.

Bữa ăn lấy trẻ làm trung tâm

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 26.10, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Mỗi bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho các bé, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và đồng thời từ bữa ăn ở trường học cũng dạy trẻ nhiều bài học rất quan trọng. Với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, các cô giáo là người quan sát, hướng dẫn cho trẻ rèn sự tự lập, kỷ luật khi các con biết xếp hàng, biết tự gắp thức ăn. Các con được học, rèn kỹ năng tự xúc ăn, biết cùng bạn bè dọn bàn ăn, lấy chén muỗng, biết trang trí bàn ăn sao cho đẹp mắt, lấy thức ăn gọn gàng... Từ đó trẻ mầm non sẽ học được kỹ năng tự phục vụ. Với bữa trưa ở các trường mầm non, khi thực phẩm được trang trí bắt mắt, trẻ được ăn cùng nhau, ăn đúng giờ, vừa ăn vừa giao tiếp với bạn đồng trang lứa, ăn xong dọn dẹp cùng bạn…; trẻ có được niềm vui trong giờ ăn, không phải ăn trong áp lực.

Theo bà Hồng Điệp, hiện nay ở TP.HCM có nhiều trường mầm non cho trẻ đánh giá bữa ăn ở trường như món ăn có ngon, giờ ăn có vui, con có thích các món ăn không… bằng cách dán các hình trái tim hay ngôi sao trên một cái cây. Từ đó, các cô đầu bếp, thầy cô ở trường sẽ biết các bữa ăn được các bé đánh giá như thế nào, dựa vào đó xây dựng bữa ăn hiệu quả về cả chất lượng, hình thức, không khí trong giờ ăn… để trẻ luôn cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Thúy Hằng

Trường công trung bình tiền ăn 30.000 đồng/ngày

Khảo sát tại nhiều trường tiểu học, THCS công lập tại các quận ở TP.HCM cho thấy trung bình tiền ăn bán trú là 30.000 đồng/ngày (gồm bữa trưa, xế). Một số trường thì khoản tiền này bao gồm cả nước uống.

Anh Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh có con học lớp 3 Trường tư thục Albert Einstein - AES (TP.HCM) cho biết đóng 24 triệu đồng tiền ăn trong 1 năm (10 tháng), tính ra mỗi ngày ăn 120.000 đồng.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.