'Căng như dây đàn' mọi ngả đường về quê ăn tết

05/02/2024 06:32 GMT+7

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng và lên phương án cho những tình huống "xấu" nhất, song lượng người dồn về quá đông cùng những sự cố bất khả kháng khiến hàng loạt sân bay và các tuyến đường bộ quá tải những ngày cao điểm sát tết.

Hơn 650 chuyến bay bị chậm, hủy

Đặt vé máy bay về Hà Nội lúc 19 giờ ngày 3.2 (nhằm 24 tháng chạp), chị Hà Diệu Linh rục rịch từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai) xuống TP.HCM từ 7 giờ sáng, một phần để lấy đồ đã đặt trước ở Q.1, một phần phòng ngừa đường sá đông đúc, lên trước để đến giờ ra sân bay Tân Sơn Nhất cho thong thả. Khoảng 11 giờ, chị Linh lên trang web của hãng để làm thủ tục check-in online thì thấy chuyến bay đã đổi giờ khởi hành sang 22 giờ mà không nhận được thông báo. Hơn 1 giờ sau, nhân viên phòng vé tiếp tục nhắn tin báo chuyến bay của chị Linh bị hoãn tiếp đến 23 giờ. 2 giờ sau, thêm một tin nhắn tới, báo đổi giờ bay trễ thêm 15 phút.

'Căng như dây đàn' mọi ngả đường về quê ăn tết- Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đông nghịt người sáng 4.2

T.L

Thời gian chờ đợi quá lâu, chị Diệu Linh phải thuê tạm phòng theo giờ tại một nhà nghỉ gần sân bay, chờ tới 21 giờ bắt xe ra Tân Sơn Nhất để làm thủ tục trực tiếp tại quầy. Lúc này, hàng chờ làm thủ tục không đông lắm, gửi hành lý cũng khá nhanh. Thế nhưng, chờ đợi hơn 15 phút, nhân viên hàng không tới thông báo đổi cửa bay. Hàng trăm người lại rồng rắn chạy sang cửa mới, xếp hàng lại từ đầu và mòn mỏi chờ tới 23 giờ 30 nhân viên hàng không mới chính thức mở cửa, soát vé cho hành khách lên máy bay. Cùng lúc, trên bảng điện tử thông báo chuyến bay đổi giờ khởi hành tới 23 giờ 59 phút.

"Lên được máy bay lại phải ngồi chờ thêm hơn 1 tiếng đồng hồ, tới 24 giờ 20 mới cất cánh. Tính ra, trễ tổng cộng 4 tiếng rưỡi. Cũng may tôi là người làm du lịch, cũng hiểu tình cảnh đông đúc những dịp cao điểm như thế này nên đã mua trước giftcard, được vào phòng chờ của hãng ngồi đợi và thông cảm cho ngành hàng không", chị Hà Diệu Linh nói.

Đồng cảnh ngộ với chị Hà Diệu Linh, có hàng vạn hành khách đã phải vật vờ chờ đợi nhiều giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua.

Hàng không 'căng mình' phục vụ hành khách những ngày cao điểm sát tết

Báo cáo nhanh của Trung tâm điều hành sân bay Tân Sơn Nhất thống kê từ 0 giờ ngày 1.2 đến 16 giờ ngày 3.2, có tới 659 chuyến bay trong tổng số 1.103 chuyến bay có lịch khai thác tại sân bay này bị chậm giờ (chiếm hơn 50% tổng số chuyến khai thác). Bên cạnh đó, có 40 chuyến bay bị hủy vì lý do thời tiết.

Từ sáng sớm đến đêm khuya, sân bay Tân Sơn Nhất "căng như dây đàn", huy động tối đa 100% lực lượng an ninh hàng không tăng ca liên tục, tăng cường thêm cả lực lượng Đoàn viên thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân hết công suất với tinh thần phục vụ 200% sức lực. Cùng với đó, hàng loạt giải pháp phân làn phân luồng, sắp xếp linh động các khâu, áp dụng tối đa công nghệ vào tất cả mọi hoạt động, song cũng không thể tránh khỏi tình trạng quá tải sân bay.

"Thật sự năm nay "ông trời" không thương nên sương mù dày đặc đúng những ngày cao điểm. Lượng khách tăng gấp 2, gấp 3 bình thường, mỗi ngày sân bay đón tới 130.000 - 140.000 hành khách, để đảm bảo trật tự, an toàn, mọi quy trình diễn ra trôi chảy đã căng lắm rồi. Thêm thời tiết khiến các chuyến bay bị chậm liên hoàn, dồn lại liên tục từ sáng 2.2 đến giờ, không có cách nào giúp sân bay thông thoáng được. Chúng tôi cũng mong hành khách thông cảm vì yếu tố thời tiết là bất khả kháng và cảng cũng đang dồn lực hết sức đảm bảo cho sân bay tuy đông nhưng không bị nhốn nháo, tán loạn, thoát dòng nhanh nhất có thể", đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết.

Lãnh đạo một hãng hàng không cũng thông tin trong những ngày "căng như dây đàn" của sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các hãng hàng không, thì thời tiết lại không ủng hộ với đợt sương mù chưa từng có ở Hà Nội. Đây là áp lực rất lớn đối với các hãng bay vì nhiều chuyến bay không thể cất cánh hay đáp được xuống sân bay Nội Bài, có nghĩa là cả dây chuyền bị ảnh hưởng, lịch bay thay đổi. Mặt khác, lượng khách tăng gấp nhiều lần so với bình thường, các doanh nghiệp phải tăng chuyến để phục vụ khách, nhưng hạ tầng và các dịch vụ tại sân bay không thể đáp ứng tăng theo, dẫn đến phục vụ chậm.

"Nếu không tăng chuyến thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết, nhưng tăng chuyến thì không thể tránh khỏi những khâu đoạn bị chậm trễ do quá tải. Đối với các hãng hàng không và ngành hàng không, an toàn là ưu tiên số 1, không phải là bằng mọi cách đúng giờ. Chậm nhưng về đến nơi an toàn, đoàn tụ với người thân trong những ngày tết, ấm cúng hơn phải ăn tết xa nhà nên mong hành khách thông cảm", vị này nói.

Cửa ngõ phía tây TP.HCM ùn ùn dòng người về quê đón tết

Tai nạn chặn dòng xe trên cao tốc

Trong khi hàng không "căng mình" phục vụ hành khách thì dưới đất, các tuyến đường cao tốc cũng đang hầm hập dòng xe xếp hàng dài.

Sáng 3.2, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua trạm thu phí Long Phước, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai kẹt xe kéo dài tới 5 km do tai nạn liên hoàn giữa 4 ô tô đoạn qua địa phận H.Long Thành. Sự cố cùng lúc với lượng phương tiện đổ về quê đón tết rất đông khiến cao tốc ách tắc kéo dài.

Cùng lúc đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng xuất hiện tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài gần 10 km hướng từ Bình Thuận đi Ninh Thuận. Do vị trí này gần khu vực nút giao Vĩnh Hảo, H.Tuy Phong (Bình Thuận) nên kẹt xe, không thể lưu thông, nhiều tài xế tắt máy, mở cửa ra khỏi xe để chờ xem tình hình.

Theo lực lượng Cục CSGT (Bộ Công an) phụ trách cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, kẹt xe kéo dài do chốt đèn đỏ ở đường dẫn cao tốc giao QL1 tại Km1604 + 750 có thời gian dừng ngắn, trong khi lượng xe thời điểm này là ngày cuối tuần về quê ăn tết nên có lưu lượng đông. Lực lượng CSGT đã điều tiết, hướng dẫn các xe đi ra QL1 ở đoạn nút giao Đại Ninh, H.Bắc Bình (Bình Thuận) cách đó hơn 40 km để giảm ùn tắc. Chốt đèn đỏ ở khu vực xã Vĩnh Hảo cũng được điều chỉnh thời gian phù hợp.

Tuy nhiên, đến chiều 3.2, khu vực nút giao giữa cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với QL1, đoạn qua H.Tuy Phong, Bình Thuận vẫn đông kín xe. Mặt khác, do lực lượng chức năng điều tiết xe chuyển hướng sang QL1 để giảm tải cho cao tốc nên tuyến quốc lộ vốn đã nhỏ hẹp nay lại càng thêm chật chội, dòng xe nối đuôi nhau nhích từng chút.

Hướng về miền Tây cũng không "dễ thở" hơn là mấy. Hàng loạt tuyến cao tốc mới thông xe đã kích thích nhu cầu tự lái xe về quê ăn tết của người dân tăng đột biến. Song, mạng lưới cao tốc lại chưa xuyên suốt, còn có những nút cổ chai chưa được mở nên dẫn đến tình trạng ùn ứ. Những ngày qua, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông hai tỉnh Bến TreTiền Giang phải túc trực thường xuyên để phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu Rạch Miễu. Từ ngày 1.2, lượng phương tiện từ TP.HCM về miền Tây bắt đầu tăng nhiệt, giao thông hướng lên cầu Rạch Miễu bị ùn ứ kéo dài ở cả hai phía Bến Tre và Tiền Giang.

Các ngả đường cửa ngõ nối từ TP.HCM đi các tỉnh như QL1, Nguyễn Hữu Trí, đường dẫn Bình Thuận - Chợ Đệm (H.Bình Chánh), ngã tư An Sương, QL22… cũng đông nghịt phương tiện từ sáng sớm đến tối muộn. Lực lượng CSGT phải phân bổ trên mọi tuyến đường để giải tỏa phương tiện, chủ động phân luồng, không để gây dồn xe, kẹt cứng tại một thời điểm.

Người dân về quê nghỉ tết qua Bến xe Miền Tây TP.HCM đông nhất ngày nào?

Trong văn bản vừa gửi Cục Đường bộ, Khu quản lý đường bộ IV cho biết năm nay lưu lượng phương tiện lưu thông trên các quốc lộ dịp nghỉ lễ, tết tăng cao. Vì vậy, đơn vị này đã xây dựng phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cụ thể, hướng TP.HCM - Long Thành (hướng phải tuyến), sẽ điều động xe cứu hộ di chuyển ngược chiều tiếp cận hiện trường, nếu xảy ra hỏa hoạn và có người bị thương liên hệ với PCCC Long Thành và cấp cứu Bệnh viện Long Thành di chuyển vào đường cao tốc từ QL51, chuyển hướng đi ngược chiều tại Km15+600 để tiếp cận hiện trường; hướng Long Thành - TP.HCM (hướng trái tuyến), xe cứu hộ được điều động trực tại trạm thu phí Long Phước di chuyển ngược chiều tiếp cận hiện trường, nếu xảy ra hỏa hoạn và có người bị thương liên hệ với PCCC Thủ Đức và cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh di chuyển vào đường cao tốc từ nút giao Vành đai 2, đi ngược chiều sau khi qua trạm thu phí Long Phước để tiếp cận hiện trường. Đồng thời, thông báo ngay đến người tham gia giao thông qua các kênh thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo các phương tiện không đi vào đường cao tốc, lựa chọn cung đường khác phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.