Hãng Yonhap đưa tin Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 2.9, sau khi CHDCND Triều Tiên phóng các tên lửa hành trình ra Hoàng Hải vào khoảng 4 giờ sáng cùng ngày (giờ địa phương). Một quan chức phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay cuộc họp được chủ trì bởi Phó cố vấn An ninh quốc gia Lim Jong-deuk nhằm thảo luận tư thế sẵn sàng đối phó.
Cáo buộc của các bên
Trong một thông cáo, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đang tăng cường giám sát và cảnh giác, duy trì tình trạng sẵn sàng trong việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Triều Tiên diễn tập tấn công hạt nhân chiến thuật
Chưa rõ chi tiết về tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng trên, vốn diễn ra 2 ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận chung "Lá chắn tự do Ulchi" kéo dài 11 ngày. Bình Nhưỡng cáo buộc cuộc tập trận là hành động diễn tập xâm lược, trong khi Washington và Seoul khẳng định hoạt động mang tính phòng vệ.
Theo Đài NHK, Triều Tiên có kế hoạch phát triển các tên lửa tầm trung và tầm xa trong chương trình quốc phòng 5 năm, công bố năm 2021. Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã vài lần tuyên bố thử nghiệm các tên lửa hành trình chiến lược được trang bị "đầu đạn thử nghiệm mô phỏng đầu đạn hạt nhân". Phản ứng về cuộc phóng mới nhất của Triều Tiên, một phát ngôn viên đảng Sức mạnh Quốc dân cầm quyền tại Hàn Quốc chỉ trích rằng đó là "hành động thù địch đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".
Trong một thông cáo đăng trên Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi phát triển các tên lửa tầm xa. Thông cáo không đề cập cuộc phóng tên lửa trên. Theo Reuters, Nhật và Mỹ dự kiến sẽ sớm đồng ý cùng phát triển tên lửa đánh chặn, nhằm đối phó các đầu đạn bội siêu thanh đang phát triển bởi Triều Tiên, Nga và Trung Quốc.
Loạt động thái mới
Cuộc phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra một ngày sau khi Seoul ra các lệnh cấm vận nhằm vào một tổ chức và 5 cá nhân Triều Tiên bị cáo buộc tài trợ bất hợp pháp cho các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 1.9, Chương trình Phát triển Ryukyong và lãnh đạo Ryu Kyong-chol của chương trình này nằm trong các bên bị cấm vận. Các cá nhân khác gồm Kim Hak-chol, Jang Won-chol, Ri Chol-min và Kim Ju-won, đều liên quan tổ chức trên.
Cùng ngày, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm vận một công dân Triều Tiên và một tổ chức ở Nga bị cáo buộc tài trợ chương trình phát triển vũ khí trái phép của Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật cấm vận 3 tổ chức và 4 cá nhân liên quan chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Hải quân Triều Tiên sẽ trang bị vũ khí hạt nhân
Trong một diễn biến khác, giới chức Hàn Quốc ngày 1.9 cho biết đã thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp nhằm giám sát hoạt động của máy bay không người lái (UAV), trong nỗ lực đẩy mạnh việc sử dụng UAV đối phó mối đe dọa quân sự gia tăng từ Triều Tiên. Bộ chỉ huy chủ yếu sử dụng UAV trong các hoạt động phòng thủ và tấn công, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa trong trường hợp khẩn cấp.
Nhằm nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đồng ý sẽ làm việc cùng nhau để khởi động lại đối thoại liên chính phủ cùng với Nhật. Cuộc đối thoại 3 bên được kỳ vọng sớm diễn ra, sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin với Ủy viên Bộ chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại T.Ư Đảng - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 31.8, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)