Căng thẳng Biển Đông khiến Philippines tạm dừng hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ

03/06/2020 16:57 GMT+7

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hôm nay 3.6 khẳng định nước này quyết định tạm không hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ vì đại dịch Covid-19 và diễn biến ở Biển Đông.

“Rõ ràng tình hình đại dịch là quan ngại lớn. Đó là một lý do. Lý do chính trị là có khá nhiều thứ đang xảy ra ở Biển Đông mà chúng ta thấy rất rõ”, Đại sứ Romualdez nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ABS-CBN về quyết định tạm không hủy VFA với Mỹ.
Hôm 2.6, Ngoại trưởng Philippines viết trên Twitter rằng ông đã gửi một thông báo ngoại giao về việc tạm dừng quyết định hủy bỏ VFA cho đại sứ Mỹ. Ông Locsin cho biết thêm việc tạm dừng này được đưa ra theo chỉ đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte và “theo tình hình chính trị và diễn biến khác trong khu vực”.
Trong cuộc họp báo hôm nay 3.6, ông Locsin chính thức thông báo về quyết định tạm không hủy bỏ VFA với Mỹ và nhấn mạnh Philippines mong muốn tiếp tục thắt chặt mối quan hệ quân sự với Mỹ, theo báo Philippine Daily Inquirer.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Philippines

Hải quân Mỹ

VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, vào ngày 23.1, Tổng thống Duterte bất ngờ tuyên bố sẽ hủy bỏ VFA nếu trong vòng một tháng Mỹ không khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa.
Đến ngày 6.2, Ngoại trưởng Locsin cảnh báo rằng việc hủy VFA sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc không dừng tham vọng kiểm soát vùng biển này.
Ngoài ra, trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN hôm 10.2, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbaca khẳng định VFA đã ngăn cản Trung Quốc bồi đắp, xây dựng ở bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông hồi năm 2016.
Bất chấp cảnh báo trên, Tổng thống Duterte đã ra lệnh Ngoại trưởng Locsin ký và gửi thông báo hủy VFA cho chính phủ Mỹ vào ngày 11.2 và việc hủy thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày đó.

Khinh hạm Conrado Yap của Philippines, thuộc lớp tàu tuần tra Pohang đã loại biên nhận từ Hàn Quốc

Chụp màn hình The Rappler

Đến ngày 17.2, một tàu chiến Trung Quốc hướng hệ thống điều khiển hỏa lực pháo về phía khinh hạm Conrado Yap của Philippines trong lúc chiến hạm Philippines tuần tra gần một nhóm thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo báo The Rappler dẫn thông cáo ngày 23.4 của Bộ Tư lệnh miền tây Philippines (Wescom). Wescom xem đó là hành động thù địch. Đến ngày 2.4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 18.4, Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đến ngày 19.4, Trung Quốc ngang nhiên thông báo cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể trên Biển Đông. Việt Nam và Philippines đã cực lực phản đối những hành động nói trên của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.