Căng thẳng có gây bệnh tiểu đường không?

17/01/2025 00:07 GMT+7

Căng thẳng không phải lúc nào cũng tác động xấu đến sức khỏe. Căng thẳng mức độ nhẹ sẽ làm tăng khả năng tập trung, giúp xử lý tình huống tốt hơn. Tuy nhiên, căng thẳng cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Căng thẳng liên tục có thể gây viêm, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, đau tim và đột quỵ. Căng thẳng cũng tác động không nhỏ đến bệnh tiểu đường, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Căng thẳng có gây bệnh tiểu đường không?- Ảnh 1.

Căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol trong máu, khiến đường huyết tăng cao

ẢNH: AI

Tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tạo đủ hoóc môn insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Hệ quả là khiến lượng đường glucose trong máu tăng cao. Trong khi đó, căng thẳng có thể làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn bằng cách tăng tiết cortisol, loại hoóc môn làm tăng đường huyết. Do đó, căng thẳng thường xuyên sẽ khiến người mắc tiểu đường khó kiểm soát đường huyết.

Với những người khỏe mạnh, căng thẳng không trực tiếp dẫn đến tiểu đường nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này là do căng thẳng kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến cấu trúc thần kinh nội tiết, ảnh hưởng đến các chức năng chuyển hóa của cơ thể.

Trong khi đó, một nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) phát hiện căng thẳng mức độ cao do sang chấn, áp lực công việc và gia đình sẽ làm tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 ở phụ nữ. Các tác giả nghiên cứu cho rằng những căng thẳng tích tụ qua thời gian, mất việc hay phải chăm sóc một thành viên nào đó trong gia đình khiến họ không thể duy trì các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, ăn uống đúng cách hay bỏ thuốc lá.

Một số biện pháp giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe cho người tiểu đường

Các hoạt động như thiền, yoga hay tập hít thở sâu có khả năng giảm mức cortisol và phục hồi cảm xúc. Nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp chánh niệm thực sự có thể cải thiện độ nhạy insulin và điều chỉnh đường huyết, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng cao độ.

Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục cũng góp phần quan trọng giúp giảm căng thẳng. Đặc biệt, tập thể dục là một cách giải tỏa căng thẳng rất tốt, đồng thời có tác dụng điều chỉnh đường huyết và tăng độ nhạy insulin. Ngay cả những hoạt động nhẹ như đi bộ cũng có thể kiểm soát căng thẳng và giảm nguy cơ mắc tiểu đường, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.