Tờ USA Today mới đây dẫn thông tin từ chuyên gia sức khỏe cho hay câu trả lời ngắn gọn là có. Căng thẳng cấp tính sẽ tạo ra những thay đổi về thể chất nhằm tối đa hóa hiệu suất của cơ thể để đối phố với tình huống gây căng thẳng.
Cụ thể hơn, căng thẳng sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, còn được gọi là phản xạ "chiến đấu hay bỏ chạy". Khi đó, nhịp tim cũng tăng lên để cung cấp nhiều máu và oxy hơn đến các bộ phận của cơ thể, nhằm giúp bạn thoát khỏi nguy hiểm.
Tuy nhiên nếu phản xạ này diễn ra quá thường xuyên có thể khiến bạn bị ốm.
Trả lời USA Today, tiến sĩ, bác sĩ Jessi Gold - đang làm việc tại khoa Tâm thần thuộc Trường Y Đại học Washington (Mỹ), cho biết căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nó có thể khiến bạn đau đầu, đau cơ, mất ngủ, mệt mỏi, hay quên, khó tập trung. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhu động ruột, gây khó chịu cho đường tiêu hóa hoặc buồn nôn…
Ngoài ra, căng thẳng mãn tính cũng được chứng minh có liên quan đến các tình trạng bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim, béo phì và rối loạn chuyển hoá, viêm khớp hay tiểu đường loại 2.
Gợi ý về cách đối phó với căng thẳng và ngăn nó phát triển thành bệnh, bác sĩ Gold khuyến nghị: "Bạn nên cố gắng dành khoảng 5 phút mỗi ngày cho bản thân và làm điều gì đó mình thật sự thích. Nó có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Một số người đã thực hành thiền, tập thể dục hay viết nhật ký đều có thể giúp giảm căng thẳng".
"Điều quan trọng nữa là bạn nên quan tâm đến giấc ngủ và chế độ ăn uống của mình. Ngoài ra, việc đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc, gia đình và thời gian phục hồi cho bản thân cũng sẽ có ích trong việc kiểm soát căng thẳng", bác sĩ Gold nói thêm.
Bình luận (0)