Từ khuya 9.6 đến rạng sáng 10.6, cảnh sát chống bạo động đụng độ với hàng trăm người bên ngoài trụ sở lập pháp và hành pháp của Hồng Kông, khiến nhiều người bị thương và bị bắt. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), một số kẻ quá khích đeo khẩu trang dùng thanh chắn kim loại được đặt quanh tòa nhà Hội đồng lập pháp Hồng Kông làm phương tiện xông qua vòng vây của cảnh sát nhưng bị giới công lực đáp trả bằng dùi cui và hơi cay. Tuy nhiên, tình trạng đối đầu kéo dài đến khoảng 2 giờ sáng (giờ địa phương), những người biểu tình cuối cùng mới giải tán.
[VIDEO] Nhìn lại kết thúc bạo lực của cuộc tuần hành lớn nhất Hồng Kông trong 15 năm
|
Trước đó, phía tổ chức khẳng định có hơn 1 triệu người tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trong ngày 9.6, còn cảnh sát ước tính con số là 240.000 người. Đoàn biểu tình hô khẩu hiệu và cầm biểu ngữ yêu cầu chính quyền đặc khu hủy bỏ dự luật. Theo dự luật này, các lãnh đạo Hồng Kông có quyền xem xét và quyết định đưa nghi phạm bị truy nã đến những nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ cũng như những nơi mà vùng lãnh thổ này chưa có thỏa thuận dẫn độ như Trung Quốc đại lục, Macau và Đài Loan. Dự luật chỉ nhằm vào những loại tội phạm có mức án từ 7 năm tù giam trở lên và quy định các trường hợp không dẫn độ như một số tội danh về kinh tế, có liên quan đến chính trị hoặc hạn chế dẫn độ đến quốc gia mà tội phạm có thể bị kết án tử hình...
Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông và khiến người dân lẫn người nước ngoài quá cảnh tại đặc khu có nguy cơ đối diện các cáo buộc không rõ ràng cùng khả năng bị xét xử không công bằng ở đại lục. Ngoài cuộc đại biểu tình ở Hồng Kông, còn có ít nhất 29 cuộc tuần hành phản đối của người gốc Hoa tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo SCMP.
Cũng trong ngày 10.6, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết sẽ “lắng nghe tiếng nói của công chúng”. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh sẽ không hoãn hay rút lại dự luật dẫn độ. “Đây là dự luật rất quan trọng, giúp duy trì công lý và đảm bảo Hồng Kông hoàn thành những trách nhiệm quốc tế liên quan đến vấn đề tội phạm xuyên biên giới, liên quốc gia”, nữ lãnh đạo tuyên bố, đồng thời khẳng định: “Tôi chưa từng nhận được bất cứ chỉ đạo nào từ Bắc Kinh về dự luật”. Cùng ngày, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố chính quyền trung ương ủng hộ dự luật dẫn độ của Hồng Kông và phản đối “sự can thiệp từ bên ngoài”. Trước đó, tờ China Daily đăng bài xã luận cáo buộc các “lực lượng từ nước ngoài đang tìm cách gây hại cho Trung Quốc bằng cách tạo bất ổn ở Hồng Kông”.
Theo dự kiến, Hội đồng lập pháp Hồng Kông sẽ họp phiên thứ hai về dự luật dẫn độ vào ngày mai 12.6 trước khi dự luật được thông qua vào tháng 7. Trong khi đó, phe phản đối tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình từ 10 giờ sáng 12.6, theo AFP.
Bình luận (0)