Xe

Căng thẳng Mỹ - Iran: Vòng xoáy bạo lực sẽ gia tăng không chỉ ở Trung Đông

Mặc dù chưa có ngay nguy cơ về một cuộc chiến tranh nóng, nhưng chắc chắn rủi ro về an ninh, bạo lực… sẽ càng gia tăng , không chỉ giữa Mỹ và Iran , mà còn với cả Trung Đông, thậm chí lan ra các nơi khác.

Trong câu chuyện dài và diễn biến còn rất phức tạp giữa Iran và Mỹ, tôi chỉ góp một góc nhìn.
Việc xung đột, mất lòng tin giữa Mỹ và Iran diễn ra đã lâu, nhưng kể từ Giáng sinh đến nay, lại thêm một loạt diễn biến phức tạp: việc lực lượng được coi là thân Iran tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ, Mỹ bắn trả, rồi người biểu tình xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và đỉnh điểm là quyết định của Tổng thống Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani. Đây là câu chuyện sẽ còn rất phức tạp, nhưng có thể thấy một số điểm sau.
Trước hết, việc Mỹ hạ sát tướng Soleimani, dù là lý do gì, đã và sẽ tạo ra vòng xoáy bạo lực gia tăng và có những hệ lụy rất lớn. Iran đã tuyên bố sẽ phải trả đũa và thực sự họ đã trả đũa rồi. Cả lãnh tụ tinh thần và chính quyền Iran đều thấy đấy là hành động can thiệp trực tiếp vào Iran và họ không thể không trả đũa, thậm chí trả đũa mạnh, thậm chí họ đã treo cờ trên đỉnh thánh đường Jamkaran như một cách thể hiện ý chí này. Phía Mỹ cũng tuyên bố, nếu Iran phản ứng quá mức, nhất là tấn công vào quân nhân Mỹ, người Mỹ, thì họ cũng sẽ trả đũa lại.

[VIDEO] Sau "cú tát" vào Mỹ từ Iran, liệu vòng luẩn quẩn trả thù đã dừng lại?

Hai bên đã kiềm chế

Trong vòng xoáy đó, dù sẽ còn dài và phức tạp, nhưng dường như hai bên cũng đang bắn đi tín hiệu không đẩy lên quá mức. Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ nói không kích là để ngăn chặn các cuộc tấn công được Mỹ gọi là khủng bố, nhằm vào người Mỹ và các cơ sở của Mỹ, nhưng vẫn khẳng định không phải để gây ra chiến tranh với Iran hay thay đổi chế độ chính trị của nước này. Về phía Iran, mặc dù sẽ phải trả đũa và trả đũa mạnh, nhưng họ cũng bắn những tín hiệu là không đẩy đến một cuộc chiến tranh nóng.
Quay trở lại câu chuyện trả đũa. Lúc 1 giờ 20 ngày 8.1, theo giờ Iraq, Iran đã bắn hàng loạt rocket vào 2 căn cứ quân sự của Iraq có sự hiện diện của lính Mỹ. Sau đó, Ngoại trưởng Iran nói rằng, Iran đã trả đũa mạnh mẽ, tương xứng đối với việc Mỹ sát hại tướng của mình, và đã hoàn tất đợt trả đũa này. Phía Mỹ cũng cho biết, đã có thương vong, nhưng là người Iraq chứ không phải lính Mỹ. Tổng thống Trump trong ngày cũng đã đăng trên twitter thông báo ngày mai sẽ có tuyên bố về vấn đề này. Tuyên bố như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ. Dường như điều này báo hiệu sự kiềm chế nhất định từ hai phía.
Có một điều cần thấy rằng, dù phía Mỹ có giải thích thế nào, thì dư luận vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau, không chỉ lo ngại về bạo lực gia tăng, mà còn cả về những tiền lệ, hệ lụy đối với quan hệ và luật pháp quốc tế, về việc Mỹ không kích hạ sát một vị tướng của nước khác, trên lãnh thổ một nước thứ 3 là Iraq, mà không hỏi ý kiến họ.

[VIDEO] Iran phóng tên lửa nhưng không muốn "leo thang chiến tranh", Mỹ phản ứng ra sao?

Nhìn chung, các nước đều rất quan ngại về những rủi ro an ninh, chắc chắn sẽ xảy ra, kể cả trong nội bộ Mỹ, hay các nước ở châu Âu, châu Á… Có lẽ, mong muốn chung lớn nhất lúc này là làm sao các bên có thể kiềm chế, tìm cách hạ nhiệt và kiểm soát được căng thẳng.

Sẽ ảnh hưởng kinh tế thế giới

Cũng cần lưu ý các tác động kinh tế. Chắc chắn rủi ro an ninh ở một khu vực địa chiến lược, địa kinh tế như Trung Đông, nhất là về thông thương hàng hải và dầu lửa, sẽ tác động đến kinh tế thế giới. An ninh bất ổn sẽ tạo ra bất ổn về thông thương hàng hải và nguồn cung dầu từ Trung Đông. Điều này sẽ tác động đến kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán, tiền tệ thế giới.
Liên quan đến nguồn cung và giá dầu, từ góc nhìn cá nhân, cũng có thể có một vài nhận xét sơ bộ. Mặc dù, tình hình bất ổn, căng thẳng gia tăng, nhưng trước mắt, vẫn có thể không quá bi quan, do chưa có nguy cơ chiến tranh trực tiếp giữa hai bên. Khả năng sẽ có phức tạp, như đã từng xảy ra gần đây (vụ bắt giữ các tàu ở eo Hormuz hay vụ tấn công cơ sở dầu ở Ả rập Xê út).
Mặt khác, xét về cung cầu, cho đến nay, nguồn cung dầu có trữ lượng khá lớn và tương đối ổn định, chẳng hạn từ Ả rập Xê út và các nước vùng Vịnh khác; Mỹ cũng có sản lượng, trữ lượng dầu khá lớn. Trong khi đó, do kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc, bao gồm cả một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, châu Âu… thì tiêu thụ về dầu cũng sẽ không tăng cao.
Cùng với khả năng chống chịu về kinh tế thế giới, thì cán cân cung - cầu về dầu như vậy, về trước mắt, sẽ ít khả năng có đột biến lớn, cả về nguồn cung và về giá cả, dù từng lúc có thể có những chao đảo nhất định.

65 năm trắc trở quan hệ Mỹ - Iran

Chưa chiến tranh nóng, nhưng sẽ rất phức tạp

Dù vậy, cũng không thể không nhấn mạnh rằng, câu chuyện Trung Đông, nhất là lúc này câu chuyện Mỹ - Iran, còn phức tạp hơn rất nhiều do những yếu tố sâu xa, cả về địa chiến lược, cũng như về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo… Như vậy, chắc chắn, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến nhiều chiều và rất phức tạp.
Mặc dù, chưa có ngay nguy cơ về một cuộc chiến tranh nóng, nhưng chắc chắn dòng xoáy rủi ro về an ninh, bạo lực… sẽ càng gia tăng, không chỉ giữa hai bên, mà còn với khu vực Trung Đông, thậm chí lan ra cả các nơi khác. Chưa thể dự báo hết các diễn biến tiếp theo có thể xảy ra trong vòng xoáy bạo lực này, liệu có lúc vượt quá kiểm soát hay không.
Trước mắt, đẩy lùi được nguy cơ chiến tranh đã là điều cần thiết. Dù thế nào, tình hình hiện nay, sau vụ không kích hạ sát vị tướng của Iran, là điều sẽ còn có những hệ lụy lâu dài, cả về luật pháp, quan hệ quốc tế, cũng như tạo thêm vòng xoáy bạo lực ở khu vực vốn rất bất ổn về an ninh và rất phức tạp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.