Khuya 2.3, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin một nhóm tàu chiến của Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của Chiến khu Nam bộ, vừa thực hiện cuộc tập trận ở Biển Đông và vùng tây Thái Bình Dương. Bắt đầu từ cuối tháng 1, cuộc tập trận kéo dài hơn 30 ngày với hải trình tổng cộng khoảng 9.000 hải lý, nhưng truyền thông Trung Quốc mới đưa tin gần đây. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu đổ bộ tấn công Hải Nam loại Type 075, tàu khu trục Hồi Hột loại Type 052D, tàu hộ tống Liễu Châu loại Type 054A và một tàu hỗ trợ.
Từ sự tham gia của các cường quốc
Gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tục thông tin về các cuộc tập trận ở Biển Đông, trong khi hải quân Mỹ cũng thường xuyên điều động các nhóm chiến hạm tham gia diễn tập tại vùng biển này.
Ngày 17.2, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh căng thẳng xung quanh vụ khinh khí cầu, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông (số hiệu 17) của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Kèm theo đó, hải quân Trung Quốc còn công bố đoạn video cho thấy phía tàu Sơn Đông phát đi thông báo cả bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Anh với nội dung: "Đây là tàu chiến số 17 của hải quân Trung Quốc", kèm theo đó là hình ảnh tàu Sơn Đông tiến hành tập trận, bao gồm cả chiến đấu cơ J-15 trên tàu được triển khai hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đoạn video được giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định có thể ghi lại lúc nhóm tàu của nước này "chạm trán" với tàu chiến Mỹ. Trước đó, ngày 13.2, hải quân Mỹ thông báo điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island dẫn đầu nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ thực hiện phối hợp tập trận ở Biển Đông.
Không những vậy, chưa đầy 1 tháng trước đó, hải quân Mỹ vừa triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz tập trận ở Biển Đông vào giữa tháng 1.2023. Ngay trong lúc tàu USS Nimitz tập trận, Bắc Kinh cũng đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đến Biển Đông để tập trận. Trong những năm qua, 2 bên từng nhiều lần triển khai chiến hạm với nhiều quy mô khác nhau hoạt động tại vùng biển này. Đây là những động thái được xem như cách thức ngoại giao pháo hạm để răn đe lẫn nhau.
Đến lựa chọn của các bên khác
Liên quan tình hình Biển Đông, tờ The Japan Times ngày 28.2 dẫn lời Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho hay hải quân Philippines cùng phía Mỹ, Nhật Bản và Úc có thể tiến hành tuần tra chung ở vùng biển này. Đây là động thái mới của Manila sau nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quân sự với nhiều bên như Washington, Tokyo và Canberra.
Phân tích khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) ngày 3.3 cho rằng: "Đối với một số nước Đông Nam Á, mối lo ngại lớn nhất là ý chí của Mỹ. Vì vậy, làm thế nào để duy trì sự can dự của Mỹ là vấn đề đáng quan tâm của một số bên".
Vì thế, theo TS Nagao, một số bên ở Đông Nam Á như Philippines có các động thái để duy trì sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Gần đây, Manila và Washington công bố thỏa thuận cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ của Philippines.
Những động thái của Philippines có thể mở đường cho không chỉ lực lượng Mỹ mà cả Nhật Bản, Úc cũng có thể tăng cường hiện diện tại khu vực Biển Đông, đặc biệt là hoạt động của tàu chiến các bên. Đây có thể xem là một cách thức để một nước nhỏ như Philippines cũng có thể thúc đẩy ngoại giao pháo hạm nhằm tăng cường răn đe các hành động gây căng thẳng ở vùng biển này.
Trong khi đó, Đài ABS-CBN ngày 3.3 dẫn lời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng các nước Đông Nam Á nên đồng thuận cùng một phía trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuyên bố được Thủ tướng Anwar Ibrahim đưa ra khi trả lời phỏng vấn ABS-CBN trong chuyến công du đến Philippines từ ngày 1 - 2.3.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc dùng trí tuệ nhân tạo tính chi phí xây dựng hạ tầng ở Biển Đông
Hôm qua (3.3), tờ South China Morning Post đưa tin một nhóm nghiên cứu Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mô phỏng việc xây dựng, vận hành mạng lưới cơ sở hạ tầng hậu cần mà Bắc Kinh định xây dựng ở Biển Đông. Theo đó, tổng chi phí cần thiết cho các cơ sở trên sẽ dao động từ 6 - 20 tỉ nhân dân tệ (870 triệu - 2,9 tỉ USD) trong một thập niên, tùy thuộc vào kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ báo dẫn lời người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho rằng với mức chi phí 6 tỉ nhân dân tệ, Trung Quốc có thể kiểm soát chỉ 17 đảo nhỏ. Còn theo kịch bản tốn kém nhất là 20 tỉ nhân dân tệ, mạng lưới hậu cần của Trung Quốc bao phủ 80 đảo nhỏ ở hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Đây là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng có nhiều thực thể ở 2 quần đảo này đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Văn Khoa
Nhóm Bộ tứ quan ngại việc quân sự hóa một số vùng biển
AFP đưa tin ngoại trưởng các nước Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) ngày 3.3 đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các vùng biển trong khu vực. Quan ngại được đưa ra khi ngoại trưởng của 4 nước trong nhóm này gặp nhau tại New Delhi (Ấn Độ).
Cụ thể, tuyên bố chung được nước chủ nhà đưa ra sau cuộc gặp đã nhấn mạnh về "tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế" ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm "đáp ứng những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ". "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, việc sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển một cách nguy hiểm", tuyên bố nêu.
Sau cuộc họp, ngoại trưởng các nước Bộ tứ đã tham gia Đối thoại Raisina diễn ra từ ngày 2 - 4.3 ở New Delhi. Tại đối thoại này, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Trung Quốc không có lý do gì để lo ngại nhóm Bộ tứ. "Đây không phải là hợp tác quân sự mà chỉ là hợp tác thực tế. Chúng tôi không cố gắng loại trừ bất kỳ ai. Đây là một cuộc đối thoại cởi mở", AFP dẫn lời ông Hayashi nói.
Đông A
Bình luận (0)