Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào năm ngoái, các công ty quốc phòng nước này đang hướng đến việc mở rộng thị trường, và Biển Đông đang là khu vực tiềm năng vì những căng thẳng tại đây.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật Bản ngày 22.11 đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường vị thế tại Biển Đông, theo Bloomberg ngày 22.11.
Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền trái phép, gần như chiếm trọn diện tích Biển Đông. Hơn nữa, Bắc Kinh còn cấp tập xây đảo nhân tạo, xây đường băng, hải đăng và các công trình trái phép khác tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc bị các nước lên án và gây căng thẳng tại vùng biển được coi là tuyến giao thương hàng hải quan trọng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ngày 22.11 rằng Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động gây căng thẳng và Nhật Bản không thể chấp nhận điều đó mà cần phải đảm bảo tự do hàng hải và luật pháp quốc tế. Đáp lại, Ngoại trưởng Úc cũng cho rằng các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng nhấn mạnh về việc đóng tàu ngầm thế hệ mới cho Úc để bảo đảm việc tự do hàng hải. “Cả 2 nước đều là quốc gia biển và có chung mối quan tâm chính về tự do hàng hải”, ông Nakatani nói với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne.
Việc giành được hợp đồng thiết kế và đóng tàu ngầm cho Úc sẽ giúp tăng cường mối quan hệ đặc biệt mà Thủ tướng Shinzo Abe muốn gầy dựng với các nước đồng minh của Mỹ để đối chọi với những hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên việc Úc bắt tay với Nhật Bản có thể khiến Trung Quốc nổi giận vì Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Tàu ngầm chạy bằng động cơ không phụ thuộc không khí lớp Soryu có lượng giãn nước 4.000 tấn của Nhật Bản do hãng Mitsubishi và Kawasaki sản xuất với mẫu mới nhất có giá khoảng 60 tỉ yen (487 triệu USD) là loại tàu hợp với nhu cầu của Úc nhất, theo Bloomberg.
Máy bay trinh sát săn ngầm Kawasaki P-1 do hãng Kawasaki (Nhật) chế tạo - Ảnh: Reuters
|
Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết quá trình đánh giá các mẫu tàu đang được tiến hành và trong số 3 nhà thầu Đức, Nhật Bản và Pháp, Bộ trưởng Úc đã nghiêng về phía Nhật.
Hồi tuần trước, Nhật cũng đã đồng ý chuyển giao một số vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Philippines, nước có nhiều tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc. Theo trang tin Quartz, mặc dù Nhật không phải là bên liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng vẫn có thể đóng vai trò “nhà cung cấp” thiết bị quốc phòng cho những nước trong khu vực này. Và đó đang là cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Bình luận (0)