45,8% học sinh thường xuyên căng thẳng trong học tập
Theo nghiên cứu Áp lực gây căng thẳng tâm lý của học sinh (HS) THCS của bà Lê Minh Nguyệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và nhóm cộng sự, thì có khá nhiều lĩnh vực gây áp lực đến HS, trong đó áp lực từ môi trường xã hội và học tập là khá mạnh.
“Trên các diễn đàn cũng như trong các thông tin chính thức được phát đi từ các cơ quan quản lý giáo dục, từ các nhà trường, gia đình và từ giáo viên đều có chung tâm trạng về áp lực học tập hiện đang quá lớn đối với HS từ các lớp nhỏ đến HS phổ thông. Trong đó, không ít áp lực ngoài nội dung học tập như: bệnh thành tích, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ đối với việc học tập của con…”, nhóm nghiên cứu đánh giá. Theo nghiên cứu này, kết quả khảo sát đối với 1.016 HS từ lớp 6 - 9 của 6 trường THCS tại Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa cho thấy mức độ căng thẳng tâm lý trong học tập cao nhất trong các lĩnh vực được khảo sát. Số HS thường xuyên và rất thường xuyên căng thẳng trong học tập cũng chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 45,8%.
tin liên quan
Những vấn đề tâm lý trước ngày thi THPTKết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Minh Ngọc (Trường ĐH Hoa Lư, Ninh Bình) về áp lực tâm lý trong hoạt động học tập của HS lớp 9 (tiến hành trên nhóm 356 HS lớp 9 tại Ninh Bình) cũng cho thấy, có 46,63% HS cho rằng mình phải thực hiện nhiều nhiệm vụ/bài tập. Khi trao đổi, trò chuyện với một số HS lớp 9, các em đều có nhận xét chung: “mệt lắm, đi học suốt ngày”, “tăng ca kể cả ngày nghỉ”… Bà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, một số HS luôn được cha mẹ sắp xếp lịch học thêm, học bồi dưỡng, củng cố, học nâng cao để thi chuyển cấp. Vì vậy, có những ngày, sau khi hoàn thành việc học với giáo viên, HS về tới nhà là 21 giờ 30 hoặc muộn hơn.
78,5% học sinh thừa nhận căng thẳng vì thi cử
Nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Minh Ngọc cho thấy mục tiêu thi chuyển cấp ở năm học cuối THCS (vào lớp 10) và mong muốn đạt kết quả cao trước các kỳ thi/bài kiểm tra, là những nguyên nhân dẫn đến áp lực tâm lý trong hoạt động học tập của HS lớp 9.
Ông Đỗ Văn Đoạt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thực hiện một khảo sát trên 290 HS THCS và THPT của Hà Nội về cách ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp, cũng cho thấy có hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Các biểu hiện căng thẳng như: tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác. Qua khảo sát của nghiên cứu này, có đến 65,5% HS được hỏi cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng từ học hành và 78,5% cho rằng từ việc thi cử.
Từ các nghiên cứu trên, các tác giả đã đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm bớt áp lực tiêu cực cho HS. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, nhà trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Mặt khác, quản lý chặt chẽ giáo viên, không để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không chạy theo thành tích, luôn động viên, khích lệ HS; đặc biệt, chuẩn bị tâm thế bình tĩnh, tự tin cho HS trước các kỳ thi.
Bà Nguyệt cho rằng nhà trường làm tốt công tác định hướng nghề để phân luồng HS phù hợp với điều kiện cá nhân, gia đình và yêu cầu xã hội sau khi HS hoàn thành chương trình THCS để phụ huynh và HS nhận thức đúng về nghề nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục nhận thức cho phụ huynh, HS lớp 9 về áp lực tâm lý trong hoạt động học tập và các biện pháp hỗ trợ con, em ứng phó với áp lực tâm lý, luôn đồng hành cùng con trong mọi trường hợp.
Rối loạn tâm thần ở học sinh gia tăng vào mùa thi
Theo số liệu thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh rối loạn tâm thần, có tới 20% số ca bệnh ở độ tuổi HS và có xu hướng gia tăng vào mùa thi.
|
Bình luận (0)