Căng thẳng vé xe vào nam sau tết: ‘Cháy’ vé đến qua mùng 10, hãng tăng giá phải niêm yết

27/01/2023 19:05 GMT+7

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu đi lại tăng cao khiến nhiều hãng xe khách tại Thừa Thiên - Huế "cháy vé", dịp này nhiều hãng xe cũng đồng loạt tăng giá khiến người dân chật vật.

Ngày 27.1, khi nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã bắt đầu đi làm trở lại sau Tết khiến nhu cầu đi lại tăng cao. Tại các bến xe, ga tàu rất đông người dân xếp hàng để tìm vé trở lại các thành phố lớn.

Chấp nhận trả giá cao, đi nhiều chuyến

Ghi nhận tại bến xe phía Nam TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), dù đã đi từ rất sớm, tuy nhiên nhiều người đành phải ngậm ngùi “quay xe” khi nhiều quầy bán vé thông báo hết vé.

May mắn trong số đó, anh Phan Việt Sáng (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) hành khách đang đợi chuyến xe xuất hành đi Nha Trang chia sẻ: “Vì không có vé xe từ quê Hà Tĩnh vào Nha Trang nên tôi đành bắt xe vào Huế, rồi tiếp tục tìm vé từ Huế để đi Nha Trang. Dù giá vé tăng rất nhiều so với ngày thường, phải nằm ở đường luồng chứ không có ghế ngồi, nhưng để có vé vào sớm làm việc nên phải chấp nhận”.

Anh Phan Việt Sáng phải đi 2 chuyến xe mới vào đến được Nha Trang

LÊ HOÀI NHÂN

Anh Sáng cho biết thêm, vé từ TP.Huế đi TP.Nha Trang mà anh đặt của một hãng xe với vị trí nằm ở đường luồng có giá lên đến 800.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với ngày thường và phải đặt từ nhiều hôm trước mới có.

“Mình không thể đặt vé sớm vì chưa biết nên vào ngày nào, việc tàu xe mùa tết này cũng rắc rối lắm nên cứ tình hình đến đâu mình tính đến đó, may mắn thì có xe còn không thì phải đi nhiều chuyến thế này”, anh Sáng giải thích thêm.

Chung cảnh “cắn răng” để mua được vé xe sau Tết để quay lại nơi làm việc, anh Hoàng Bá Dinh (quê Hà Tĩnh) cũng phải bỏ ra hơn 1,7 triệu đồng để có được một ghế xe giường nằm, xuất hành từ quê Hà Tĩnh vào Đồng Nai trước mồng 8 tết. Theo anh Dinh, ngày thường giá vé chỉ từ 600.000 đồng, tuy nhiên vì tết nên ai cũngbuộc lòng chấp nhận.

Có được chiếc vé xe vào nam thời điểm này là may mắn của nhiều người

P.V.S

Trong vai người mua vé, PV Thanh Niên được nữ nhân viên bán vé của một hãng xe đóng tại bến xe phía Nam TP.Huế cho biết, vé xe đã hết từ ngày mồng 5 - 13.1 (âm lịch). Muốn đặt được vé đi các tỉnh phía Nam, phải chờ sau ngày này mới có, tuy nhiên giá vé những ngày đó cũng chưa chịu “hạ nhiệt”, giao động từ 700.000 - 1 triệu đồng.

Không chỉ các tuyến đi thành phố lớn trong vào tình trạng “cháy vé”, mà các tuyến đi các tỉnh lân cận như Quảng Bình – Huế, Huế - Đà Nẵng... cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhiều người trẻ hối hả trở lại các tỉnh thành để làm việc, học tập cũng bày tỏ sự bức xúc khi các nhà xe nhồi nhét hành khách, tự động cho tăng giá vé mặc dù chất lượng dịch vụ kém hơn những ngày thường.

“Mình đi từ Quảng Bình vào Huế ngày mồng 5 tết, dù đã đặt vé trước đó nhiều ngày nhưng đến lúc đi vẫn bị nhồi nhét. Giá vé ngày thường chỉ 150.000 đồng nhưng bây giờ tăng lên 200.000 đồng, vì sợ hết vé nên cũng đành đi thôi”, Đinh Minh Phượng (23 tuổi, quê TX.Ba Đồn, Quảng Bình) bày tỏ.

Bến xe phía Nam TP.Huế tấp nập các hãng xe chờ hành khách

LÊ HOÀI NHÂN

Khảo sát trên trang các bán vé tàu trực tuyến từ ngày 27 – 30.1 9 (tức mồng 6 – mồng 10 tết), hầu hết các chuyến đi từ ga Huế đến TP.HCM và Hà Nội đều không còn chỗ trống, khiến việc quay trở lại làm việc, học tập của nhiều người càng trở nên căng thẳng.

Sẽ bố trí thêm phương tiện để phục vụ hành khách

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, dịp Tết này nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng cao từ ngày mồng 4, đặc biệt từ mồng 6 - 10 Tết là các ngày cao điểm nhất.

"Theo thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp khai thác tại bến, thời điểm từ hôm nay hầu hết vé của các tuyến đã được bán với số lượng lớn. Hiện chúng tôi đang phối hợp với một số doanh nghiệp để tổ chức thêm phương tiện phục vụ một số tuyến trọng điểm như TP.HCM, Nha Trang, Đà Lạt… để phục vụ khách", ông Sơn nói.

Liên quan đến việc các hãng xe tăng giá vé, ông Sơn cho rằng các hãng xe muốn tăng giá vé phải có kê khai, niêm yết với cơ quan quản lý thuế và cơ quan quản lý tuyến. Đồng thời bản niêm yết giá vé phải có trên các phương tiện và phòng vé để hành khách nhận biết, lựa chọn hãng xe.

"Tùy thuộc vào doanh nghiệp và chất lượng phương tiện, quản đường để có cách tính tăng giá vé. Thường vào dịp này, các xe chỉ chạy chiều đi, còn chiều về thường không có khách nên các doanh nghiệp buộc phải tăng % giá vé để bù lỗ", ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.