Căng thẳng xung đột ở Ethiopia

09/11/2021 10:21 GMT+7

Phe ủng hộ chính phủ Ethiopia bác bỏ giải pháp đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến, trong lúc phe nổi dậy dọa tiến vào thủ đô Addis Ababa.

Reuters hôm qua 8.11 đưa tin hàng chục ngàn người tuần hành ở TP.Addis Ababa vào ngày 7.11 để ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Abiy Ahmed. Trong đó có nhiều người tuyên bố ủng hộ quân đội, bảo vệ thủ đô và bác bỏ nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài suốt năm qua giữa chính phủ Ethiopia với đảng đối lập Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF). Cuộc nội chiến đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 1,7 triệu người sơ tán.

Phe nổi dậy lật ngược tình thế

Căng thẳng giữa chính quyền Thủ tướng Abiy và TPLF dâng cao vào tháng 11.2020, khi lực lượng trung thành với TPLF chiếm các căn cứ quân sự ở vùng Tigray, thuộc phía bắc Ethiopia. Đáp lại, ông Abiy điều quân đến đối phó TPLF. Lúc đầu, binh sĩ của ông Abiy đẩy lùi được TPLF ra khỏi thủ phủ Mekele của Tigray, nhưng đến tháng 6.2021, TPLF phản công quyết liệt và chiếm lại phần lớn Tigray, kể cả Mekele. Gần đây, TPLF còn tiến vào hai vùng láng giềng Afar và Amhara.

Lực lượng nổi dậy đưa binh sĩ thuộc chính phủ Ethiopia bị bắt đến một trại giam ở TP.Mekele

CNN

Hồi tuần trước, TPLF và Quân Giải phóng Oromo (OLA), một nhóm nổi dậy ở vùng Oromia thuộc Ethiopia, đã ký kết thỏa thuận lập một liên minh với 7 nhóm nổi dậy khác. Liên minh này cam kết giải tán chính quyền của Thủ tướng Abiy bằng vũ lực hoặc đàm phán, theo Đài NBC News. Lực lượng của TPLF và OLA hiện còn cách Addis Ababa hơn 320 km và OLA dự đoán thủ đô này sẽ thất thủ trong vài tuần.

Trước tình hình trên, chính phủ Ethiopia hồi tuần rồi ban bố tình trạng khẩn cấp để bảo vệ người dân từ cuộc tấn công tiềm tàng của phe đối lập. Các lực lượng vũ trang liên bang cũng đã kêu gọi cựu

chiến binh tái nhập ngũ và người dân ở Addis Ababa tham gia cuộc chiến chống phe đối lập với bất kỳ vũ khí họ có. Nhiều cư dân ở Addis Ababa ngày 7.11 cho hay họ không sợ TPLF. “Chúng sẽ không đến Addis Ababa vì tôi tin rằng quân đội sẽ tiêu diệt chúng. Sẽ không có đàm phán”, Kebede Hailu, bán quần áo dạo tại Addis Ababa, khẳng định.

Trong khi đó, phe nổi dậy xem nhẹ thông tin họ sẽ đối mặt sự kháng cự của dân chúng ở Addis Ababa hoặc gây ra “cuộc tàn sát”, nếu họ tiến vào thủ đô. Phát ngôn viên TPLF Getachew Reda tối 6.11 khẳng định tuy phe nổi dậy tiến vào Addis Ababa để lật đổ ông Abiy, nhưng không nhắm đến mục tiêu chiếm thủ đô và TPLF không muốn trở lại nắm quyền.

Cảnh sát canh gác trong cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở Addis Ababa ngày 7.11

Reuters

Căm phẫn với di sản của TPLF ?

Trước khi Thủ tướng Abiy lên nắm quyền vào năm 2018, TPLF đã lãnh đạo Ethiopia hơn 25 năm và thực hiện 2 cuộc chiến tranh đẫm máu. Trong đó có cuộc xung đột kéo dài 15 năm lật đổ chế độ độc tài quân sự và dẫn tới vùng Eritrea trở thành quốc gia độc lập. Cuộc chiến còn lại là với Eritrea diễn ra vài năm sau đó, theo Đài NPR.

Đến nay, người dân ở nhiều khu vực của Ethiopia vẫn còn căm phẫn với cách lãnh đạo mang tính hà khắc của TPLF lúc còn cầm quyền. Vì thế, theo chuyên gia Michelle Gavin tại Hội đồng Đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, chính sự căm phẫn đó “chắc chắn sẽ dẫn tới sự kháng cự” của người dân đối với TPLF.

Bên cạnh đó, sự bất ổn của Ethiopia còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác. Chuyên gia Cameron Hudson thuộc Hội đồng Atlantic, một tổ chức nghiên cứu khác ở Mỹ, nhận định các vùng của Ethiopia phần lớn được chia dựa trên cơ sở dân tộc và có quân đội riêng. “Họ có những mối hận thù, có ác cảm với láng giềng và chống lại chính quyền trung ương”, ông Hudson bình luận.

Bà mẹ trẻ bị 23 tên lính cưỡng bức trong thảm cảnh nội chiến Ethiopia

Phản ứng của thế giới

Trước tình trạng chiến sự leo thang ở Ethiopia, nhiều nước như Canada và Mỹ đã rút nhân viên đại sứ quán không thiết yếu và gia đình của họ. Bộ Ngoại giao Canada hôm 8.11 mô tả tình hình ở Ethiopia “diễn tiến và xấu đi nhanh chóng”, theo Reuters. Ngày 5.11, Đại sứ quán Mỹ ở Ethiopia cũng đã kêu gọi tất cả công dân rời khỏi đất nước này “càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Liên minh Châu Phi, Kenya và Uganda đã kêu gọi các bên ở Ethiopia ngừng bắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.