Lời cảnh cáo công khai
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN ngày 8.5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông sẽ dừng việc cung cấp vũ khí cho Israel nếu quốc gia đồng minh tiến hành tấn công lớn vào Rafah. Đại sứ Israel tại LHQ hôm qua nói rằng việc Mỹ ngừng chuyển vũ khí có thể làm suy giảm đáng kể khả năng đạt được mục tiêu quân sự của Israel. Đây là lần đầu tiên ông Biden công khai tuyên bố về quyết định này khi chính ông đang gặp áp lực lớn trong nước, thậm chí ngay trong đảng Dân chủ của mình.
Chính sách của ông Biden với Israel liên quan cuộc chiến ở Gaza là đề tài nóng, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần. Một mặt ông ra tối hậu thư về Rafah, mặt khác ông khẳng định Mỹ không rời bỏ an ninh Israel nên vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí phòng vệ cho Israel, bao gồm hệ thống Vòm sắt.
Cũng phải nói rõ, ông Biden hôm 8.5 nhấn mạnh Israel vẫn chưa vượt lằn ranh đỏ là đánh vào khu đông dân cư ở Rafah dù đã gây căng thẳng ở khu vực biên giới với Ai Cập. Rafah, thành phố miền nam Gaza, hiện là nơi trú ẩn của hơn 1 triệu dân thường và người tị nạn, với phân nửa trong số đó là trẻ em. Ông Hamish Young, điều phối viên UNICEF tại Gaza, hôm qua nhấn mạnh Rafah "đang bị treo trên bờ vực thẳm" và những người còn ở lại thành phố đang sống trong điều kiện cực kỳ đáng lo.
Ông Biden thừa nhận bom Mỹ giết dân thường Gaza, dọa ngừng cấp vũ khí cho Israel
Tổng thống Biden thừa nhận bom đạn Mỹ cung cấp cho Israel đã bị sử dụng để giết hại dân thường ở Dải Gaza, nơi Israel tiến hành chiến dịch quân sự suốt 7 tháng qua để trả đũa cuộc tấn công chết người mà lực lượng Hamas thực hiện ở miền nam Israel vào ngày 7.10.2023. Theo thống kê của cơ quan y tế Gaza, chiến dịch của Israel đến nay đã khiến gần 35.000 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
Canh bạc đầy rủi ro
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nếu Israel đổ bộ tấn công Rafah thì sẽ là "một sai lầm chiến lược, một thảm họa chính trị và một cơn ác mộng về nhân đạo". Thủ tướng Israel Netanyahu những tuần qua luôn kiên định với tuyên bố sẽ tiến hành chiến dịch ở Rafah để tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Theo Financial Times, quyết định này đánh dấu một trong những canh bạc lớn nhất sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu.
Trì hoãn chiến dịch để giải cứu con tin sẽ khiến Hamas vui mừng, nhưng từ chối thỏa thuận ngừng bắn và quyết tấn công tổng lực vào Rafah có thể khiến Israel vượt lằn ranh đỏ của Mỹ và đe dọa tính mạng con tin vẫn đang bị giam giữ. Hơn 100 con tin đang trong tay Hamas vốn đã là vấn đề khó xử nhất với ông Netanyahu trong những tháng qua.
Đối diện với lựa chọn khó khăn này, ông Netanyahu dường như chọn cách "câu giờ". Các cuộc không kích tiếp diễn, cửa khẩu Rafah với Ai Cập bị kiểm soát và xe tăng Israel hôm 8.5 đã tiến vào rìa đông Rafah để gây áp lực với Hamas. Cùng lúc đó, một nhóm đàm phán đến Cairo (Ai Cập) để bàn về khả năng đạt thỏa thuận với Hamas theo điều khoản mà Israel chấp nhận được.
Mỹ ngừng chuyển giao bom cho Israel vì lo ngại tấn công Rafah
Những người chỉ trích thì coi đây là chiến thuật để ông Netanyahu xoa dịu các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền, đồng thời tránh phải chấp nhận thỏa thuận có thể khiến chính phủ của ông sụp đổ. Những người ủng hộ thì cho là ông Netanyahu đang tính toán để đàm phán có lợi. "Ông ấy bị mắc kẹt giữa các nhóm bất đồng trong nội các, trong dư luận Israel và giữa số phận các con tin với mục tiêu theo đuổi chiến dịch, cũng như quan hệ với Mỹ", theo chiến lược gia chính trị Nadav Shtrauchler từng làm việc với Thủ tướng Netanyahu.
Giới quan sát cho rằng việc Hamas bất ngờ đồng ý thỏa thuận ngừng bắn khiến ông Netanyahu càng rơi vào thế khó. Israel từ chối với lý do một số từ ngữ không đúng như đã bàn. Theo The Guardian, số phận chính trị tương lai của ông Netanyahu phần nào đang nằm trong tay của các bộ trưởng cực hữu của Israel. Ông thực sự đứng trước tình thế lưỡng nan.
Bom có sức công phá mạnh
Reuters dẫn các nguồn tin Lầu Năm Góc xác nhận Washington đã hoãn chuyển lô hàng gồm 1.800 quả bom nặng 907 kg và 1.700 quả bom nặng 226 kg cho Israel sau khi xem xét cẩn thận việc cung cấp vũ khí có thể được sử dụng ở Rafah. Một quan chức Mỹ giấu tên nói quyết định của Mỹ đưa ra vào hai tuần trước do lo ngại tác động từ những quả bom hạng nặng có thể gây ra ở những khu dân cư đông đúc ở Rafah, vốn cũng đã có thể chứng kiến hậu quả thảm khốc tại các khu vực khác ở Gaza. Thực tế, bom 907 kg có sức công phá trên diện rộng và cực kỳ đáng ngại. Theo LHQ, áp lực từ vụ nổ của loại bom này có thể làm vỡ phổi, vỡ xoang và xé toạc tay chân cách nơi xảy ra vụ nổ hàng trăm mét.
Bình luận (0)