Ấm cổ… mới tinh như vừa ra lò
Ông Philippe Trương, một chuyên gia về đồ cổ thời Nguyễn, đã lên tiếng sau khi thấy một ấm trà với niên hiệu Gia Long được đưa ra đấu giá tại Millon-Asium vào tháng 4.2022, lot 51. “Đây là copy giả mạo, đồ mới. Tôi đã cầm trong tay và nghiên cứu kỹ lưỡng tại Millon”, ông Philippe Trương công bố trên trang Facebook cá nhân.
Ông Philippe Trương cũng cho biết thời gian gần đây nhiều chiếc ấm Gia Long xuất hiện khiến ông không khỏi nghi ngờ. Theo ông, giả sử đây là những chiếc ấm do vua Gia Long đặt hàng thì các đồ này đã được sử dụng và phải có dấu vết sự hao mòn nhất định phía trong. “Còn những chiếc ấm mà tôi đã xem gần đây rất sạch và không có vết mòn thời gian. Dù có cho qua nhiều lần ngâm hóa chất thì bên trong luôn luôn vẫn còn lại một chút dấu vết của trà. Các ấm này mới tinh như vừa ra lò”, ông Philippe Trương cho hay.
Chiếc ấm được nhà đấu giá cho là có niên hiệu Gia Long khiến ông Philippe Trương đặt vấn đề về việc thật, giả |
Ông Philippe Trương cũng lưu ý, trong nước có những chiếc ấm tuy ghi niên đại Gia Long nhưng không sản xuất thời Gia Long (1802 - 1820) mà là hàng giả do người Hoa đặt cho tư sản Nam và Bắc Kỳ giữa các năm 1900 - 1930. Ông còn nêu một đợt làm giả thứ hai vào khoảng năm 2005 - 2015. Theo đó, một loạt ấm copy thứ hai được thực hiện từ những bức ảnh chụp hiện vật bình của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
Ông Philippe Trương cho biết loạt ấm tại Millon vốn được chủ nhân rao bán gần đây trên eBay với giá ước tính thấp, song lại đạt mức giá đấu cao. Người này sau đó hủy giao dịch trên eBay để đưa bán đấu giá tại Millon-Asium với hy vọng đạt được mức giá cao hơn nữa.
Những chiếc ấm mà tôi đã xem gần đây rất sạch và không có vết mòn thời gian. Dù có cho qua nhiều lần ngâm hóa chất thì bên trong luôn luôn vẫn còn lại một chút dấu vết của trà. Các ấm này mới tinh như vừa ra lò.
Ông Philippe Trương
“Tôi đã thông báo cho nhà đấu giá và chuyên gia kết luận của tôi về ấm trà này. Mặc dù họ biết rằng đó là hàng giả mới làm, họ là nhà bán nhưng khi có những người tham gia đấu giá, kém cỏi (hoặc cố tình giả mù) đến mức bỏ cả tỉ đồng để mua hàng giả, thì họ cho rằng tại sao lại không bán!”, ông Philippe Trương kể.
Vụ việc tiếp vụ việc
Đây không phải lần đầu ông Philippe Trương lên tiếng về việc có đồ giả tại các phiên đấu của nhà đấu giá quốc tế. Trước đó, hồi tháng 2.2021, ông lên tiếng về một số hàng giả được cho là đồ pháp lam Huế (Blue de Huế) thế kỷ 18 được đấu tại nhà đấu giá Mỹ GWS.
“Nhìn là biết ngay. Đồ copy này rất tệ nên theo tôi không cần bàn cãi. Vả lại chỉ cần đọc phần giới thiệu hiện vật là biết liền”, ông Philippe Trương cho biết và đưa kèm hình một số hiện vật mà ông cho là giả.
Về việc nhà đấu giá GWS đưa ra bán một số vật như một lư hương bằng ngọc của vua Khải Định, một nghiên đá của vua Bảo Đại, hoặc một đỉnh đồng khảm tam khí của vua Tự Đức…, ông Philippe Trương đánh giá: “Nhìn qua thì biết ngay đây không thể nào là đồ ngự dụng”.
Philippe Trương chia sẻ nhiều năm qua ông đã bỏ công giới thiệu gốm và pháp lam Việt tại nhiều nước, nhiều bảo tàng, để giúp người xem hiểu thêm; và mở phòng trưng bày hoặc tổ chức triển lãm về văn hóa Việt. “Nhưng vì có những người Việt làm đồ giả khiến hiện nay không ai chú ý đến văn hóa Việt Nam nữa, ngoại trừ các nhà đấu giá”, ông Philippe Trương lo lắng.
Một món đồ trên sàn quốc tế mà ông Philippe Trương cho là giả pháp lam Huế |
Facebook Philippe Truong |
Nhà nghiên cứu Phạm Long, một người gắn bó với mỹ thuật, cũng bất bình về việc hiện vật mỹ thuật Việt Nam giả xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế. Ông Long từng lên tiếng rất nhiều lần về những bức tranh Đông Dương giả trên sàn đấu giá quốc tế. Giờ đây, ông Long càng buồn hơn khi bên cạnh tranh giả thì đồ cổ giả cũng xuất hiện trên những sàn đấu nước ngoài. Điều này cho thấy chuyên gia thẩm định của các sàn đấu này không giỏi và đáng tin cậy như nhiều người tưởng.
Ông Long cho biết: “Nhiều người không có kinh nghiệm nên mang đồ giả đi đấu giá, nhưng cũng có người biết đó là đồ giả mà vẫn muốn thông qua đấu giá để nhập nhèm đồ giả thành thật. Người mua những đồ giả đó có thể đem về tặng, hoặc bán lại cho người trong nước không có kinh nghiệm. Như thế phải nói là có tội với nền mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại của Việt Nam”.
Ông Long cũng nhấn mạnh về việc cởi mở, trao đổi thông tin sẽ giúp việc phát hiện đồ cổ giả mau chóng, dễ dàng hơn. Ông mong muốn có những tổ chức kiểu như “cảnh sát văn hóa” để phát hiện những món đồ giả quốc tịch Việt Nam trên thị trường mỹ thuật quốc tế. “Tôi nghĩ sớm muộn những đồ giả đó cũng bị phát hiện thôi”, ông Long khẳng định.
Bình luận (0)