Cảnh báo 'bài học xương máu' từ sự cố thủy điện Sông Bung 2

Tại cuộc họp với các chủ hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn sáng 10.10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhắc lại 'bài học xương máu' từ sự cố ở thủy điện Sông Bung 2 để cảnh báo công tác an toàn hồ đập.

Sáng nay 10.10, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp với các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn để soát xét quy trình vận hành liên hồ vào mùa lũ. Công tác an toàn hồ đập đã được quan tâm đặc biệt, nhất là sau sự cố vỡ van số 2 hầm dẫn dòng tại thủy điện Sông Bung 2 hồi giữa đầu tháng 9.
Ông Trương Thiết Hùng, người vừa tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc Ban quản lý (BQLDA) dự án thủy điện Sông Bung 2 sau sự cố thừa nhận đây là “sự cố đáng tiếc” gây ảnh hưởng đến đời sống người dân phía hạ lưu đập kéo dài đến phạm vi hồ Sông Bung 4 (nằm dưới hồ Sông Bung 2), nhất là địa bàn thôn Tà Ooi, xã La Êê (H.Nam Giang).
BQLDA thủy điện Sông Bung 2 (thuộc Tổng công ty Phát điện 2) hiện đang làm cùng lúc nhiều việc: khắc phục hậu quả thiệt hại, kiểm đếm để bồi thường cho người dân và tháo dỡ công trình, khơi thông dòng chảy tự nhiên cho sông Bung.
Đề cập sự cố này, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (chủ trì cuộc họp) gọi đây là “bài học xương máu” và cảnh báo các dự án thủy điện phải kiểm tra, vận hành thử một cách nghiêm túc.
“Từ sự cố Sông Bung 2, các chủ hồ phải lưu ý, không phải mọi việc đã yên ổn. Phải kiểm tra các cửa van, phải vận hành thử máy móc và trang thiết bị. Với sự cố Sông Bung 2, hiện tổ công tác điều tra của Bộ Công thương đang vào cuộc, nhưng dù kết quả như thế nào thì đây vẫn là bài học xương máu”, ông Lê Trí Thanh đánh giá.
Xin “miễn” hệ thống camera giám sát
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết trên hệ thống thủy điện bậc thang Vu Gia - Thu Bồn, hiện đã có 7 công trình đã phát điện. Hệ thống thủy điện vừa và nhỏ cũng có 10 công trình phát điện.
Kết quả kiểm tra các công trình trước mùa mưa bão của 12 hồ quy mô lớn cho thấy công tác quản lý an toàn đập rất tốt. Tuy nhiên, trong công tác vận hành liên hồ chứa vào mùa lũ chưa thật suôn sẻ.
Đơn cử, hồ thủy điện Đăk Mi 4 đã không trình được được phương án phòng chống lũ lụt hạ du, và đang đối diện hình thức xử phạt hành chính theo quy định.
Lý do mà ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty thủy điện Đăk Mi 4, đưa ra là chưa hoàn tất phương án vỡ đạp, phải “nợ” sang đến năm 2017.
Trong khi đó, thủy điện Sông Bung 4A và Sông Bung 5 đã bị nhắc nhở vì… không lắp đặt hệ thống camera giám sát xả tràn, truyền hình ảnh về văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam trong khi các hồ khác (như A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4) làm rất tốt.
Tại cuộc họp, đại diện thủy điện Sông Bung 4A “xin” bỏ qua hệ thống camera giám sát vì nhà máy nhỏ.
Tuy nhiên, yêu cầu "xin bỏ qua” này đã bị đại diện các Sở Công thương, Tài nguyên - Môi trường bác bỏ. Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương khẳng định thủy điện Sông Bung 4A phải lắp camera vì còn phải giám sát xả nước mùa khô, và nhất là “tỉnh không được TƯ ủy quyền cho hay không cho lắp camera”.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng yêu cầu thủy điện Sông Bung 4A phải hoàn tất hạng mục này, để đảm bảo truyền tín hiệu giám sát.
Cuộc họp với các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam sáng 10.10 đề câp nhiều vấn đề nóng về vận hành, truyền thông... HỨA XUYÊN HUỲNH
Công tác truyền thông cũng gặp trở ngại khi thông tin về an toàn hồ đập, điều tiết vận hành hồ chứa chỉ “truyền” đến tổ trưởng, trưởng thôn.
“Người dân thiếu thông tin về bậc thang thủy điện, không biết nước hồ này khi xả lũ thì chảy vào đâu. Họ cộng dồn nước từ các hồ lại và thấy lượng nước rất lớn. Chúng tôi tổ chức truyền thông đến trưởng thôn, nhưng sau đó trưởng thôn truyền đạt lại thì người dân khó hiểu. Có cách nào truyền thông tốt hơn không?”, ông Lê Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương băn khoăn.
Tại phiên họp mổ xẻ về quy trình vận hành liên hồ, nhiều vấn đề nóng khác được đưa ra thảo luận là tình huống chủ hồ chứa chậm xả lũ do không nhận được bản tin dự báo thời tiết, số lượng các trạm đo mưa quá “mỏng”, một số công trình chưa có báo cáo vận hành an toàn đập…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.