Cảnh báo cúm mùa có thể gây bệnh nặng hơn

21/07/2022 11:15 GMT+7

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội ( CDC Hà Nội ), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận ca tử vong.

Số mắc tăng cao trong các tuần gần đây. Đặc biệt trong tháng 6.2022 ghi nhận 887 trường hợp, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca). Trước đó, từ tháng 1 - 4.2022, số mắc dưới 400 ca/tháng.

Các ca mắc cúm tại Hà Nội tăng cao trong các tuần gần đây

CDC HÀ NỘI

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), số người đến khám do mắc cúm cũng gia tăng. Riêng trong 2 tuần đầu tháng 7, bệnh viện này đã tiếp nhận khám và sàng lọc 1.068 ca nghi nhiễm cúm - chiếm tới 52,8% số lượng bệnh nhân nghi nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong các ca nhiễm cúm, 97,6% bệnh nhân dương tính với cúm A; cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca (chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm), trong đó có 2 trường hợp viêm phổi ARDS nhập viện.

Ca bệnh nhiễm cúm tăng mạnh, Hà Nội sẵn sàng ứng phó dịch lây lan

TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, lưu ý diễn biến bệnh cúm bây giờ có một số điểm khác so với trước đây. 10 năm trước, trẻ mắc bệnh cúm chủ yếu viêm long đường hô hấp kèm sốt. Mùa cúm năm 2019 - 2020, các triệu chứng đã nặng hơn rõ rệt, ví dụ như biểu hiện về thần kinh. Khoảng 45% trẻ có hiện tượng co giật, khoảng 6% trẻ sau nhiễm cúm có dấu hiệu viêm não.

Theo TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, hầu hết trẻ mắc cúm được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, các gia đình cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe, hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao; lưu ý đảm bảo dùng thuốc đúng liều lượng; trẻ uống đủ nước. Cần cho trẻ đến bệnh viện khi trẻ sốt cao nhưng hạ sốt không hiệu quả; hoặc khi thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào (co giật, mệt mỏi li bì; nôn nhiều; trẻ bỏ bú, ăn kém…).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.