Cảnh báo gia tăng dịch bệnh kỳ nghỉ tết

01/02/2019 10:04 GMT+7

PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý dịch sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản...

Dịp nghỉ tết là thời điểm mùa đông xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư cao, thường xuyên biến động dân cư và một số nơi khó tiếp cận dịch vụ y tế là nguy cơ xuất hiện dịch sởi do chưa có miễn dịch bảo vệ.

Bệnh ở trẻ nhỏ nguy hiểm cho người lớn

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương…
Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.
“Dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần và hiện đang nằm trong chu kỳ dịch, do đó sởi rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời”, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết.
Trong năm 2018 số phát ban nghi sởi tăng 23 lần so với cùng kỳ 2017, các ca mắc sởi tăng 13 lần so với 2017. Số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng tăng từ các tháng cuối 2018.
Bộ Y tế lưu ý, trẻ nhỏ từ 9 - 12 tháng cần tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ; nếu không tiêm, sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý dịch sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não... có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Cẩn trọng với cúm và tiêu chảy

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vừa qua BV này đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị viêm đường hô hấp, trong đó có bệnh nhân nhiễm cúm bị bội nhiễm gây viêm phổi, phế quản. Đáng lưu ý, đã ghi nhận bệnh nhân là nam giới nhiễm cúm A tử vong.
“Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu đông xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến sức đề kháng của cơ thể giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm”, ông Phu lưu ý.
Mặt khác, điều kiện môi trường trong thời gian này rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho người, nhất là các bệnh như: cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy…
Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn, nhất là người già và trẻ em. Sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp tết và mùa lễ hội làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh kỳ nghỉ tết, bằng cách chú trọng giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…; hạn chế đến những chỗ đông người. Khi có các dấu hiệu sốt, ho, đau ngực, khó thở và bất cứ các triệu chứng bất thường về sức khỏe, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.