Bệnh không chừa tuổi
Bé gái T.P.N. (9 tháng tuổi, ngụ Đà Nẵng) vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục, run lạnh và tím tái. Với những dấu hiệu ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bé có thể đang mắc sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên qua chỉ số xét nghiệm bạch cầu trong nước tiểu tăng cao (6-8 tb/QT40) cũng như chỉ số CRP trong máu dương tính (19,8 mg/L) cho thấy bé đang bị viêm bàng quang. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bé nhập viện, theo dõi và điều trị.
Một trường hợp khác, bé L.T.V.L. (5 tuổi, ngụ Đà Nẵng) chỉ sốt nhẹ, họng không loét, tỉnh táo, tuy nhiên lại tiểu đục và tiểu buốt. Tương tự, chỉ số bạch cầu của bé L. cũng đặc biệt cao (số lượng WBC trong máu 28,9 G/L), CRP dương tính (25 mg/L), chỉ số Leukocytes tăng (dương tính 3+). Kết quả siêu âm bụng cho thấy thận phải của bé có dấu hiệu ứ nước độ 2, cần theo dõi trong tình trạng viêm bàng quang.
Bé N.và L. là 2 trong số những trường hợp nhập viện điều trị viêm bàng quang trong một tháng gần đây. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi của trẻ, không loại trừ trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải.
Những nguyên nhân dễ mắc phải
Đường tiết niệu gồm bể thận, niệu quản (dẫn nước tiểu đi từ thận đến bàng quang) và bàng quang. Khi vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu gây viêm sẽ xảy ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu (NTĐT) (viêm bể thận nếu gây viêm ở bể thận, hoặc viêm bàng quang nếu gây tổn thương ở bàng quang). Bệnh này chủ yếu là do vi khuẩn gây ra như E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci. Những vi khuẩn trong ruột có thể gây nhiễm trùng khi chúng xâm nhập vào những cơ quan khác của cơ thể, hoặc các vi khuẩn nằm xung quanh hậu môn cũng có thể băng qua niệu đạo vào bàng quang.
Ở bé gái, đường niệu đạo (dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) ngắn hơn và gần hậu môn hơn so với bé trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn, gây viêm bàng quang. Bên cạnh đó, ở các bé gái sơ sinh hoặc nhỏ hơn 6 tháng, các bà mẹ thường có thói quen vệ sinh bộ phận sinh dục từ sau ra trước, vô tình đưa vi khuẩn từ hậu môn lên lỗ tiểu và âm hộ, gây viêm nhiễm.
NTĐT lại thường gặp ở các bé trai bị hẹp bao quy đầu, làm cho nước tiểu thường xuyên bị ứ lại gây viêm. Việc trẻ mang bỉm không đúng quy cách cũng có thể gây nhiễm trùng đường tiểu, nhất là khi cả phân và nước tiểu lẫn lộn với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Phòng tránh NTĐT
Th.S-BS Lê Hữu Anh Hòa, Khoa Nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho biết: “NTĐT có thể dễ dàng điều trị nếu được chẩn đoán kịp thời. Ba mẹ có thể nhận biết trẻ mắc NTĐT qua một số dấu hiệu như: Sốt nhẹ, sốt kéo dài, sốt cao; trẻ biếng ăn, kém chơi, quấy khóc, đôi lúc rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy); đái dắt, đái buốt, đi tiểu nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn; màu nước tiểu đục…”.
Để phòng tránh bệnh lý này, ba mẹ nên lưu ý: Vệ sinh đúng cách cho trẻ (không lau từ sau ra trước đối với bé gái), thường xuyên kiểm tra và thay tã ngay sau khi trẻ đi tiêu, tiểu; khuyến khích trẻ uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu, tránh nguy cơ táo bón; khuyến khích trẻ đi vệ sinh ngay khi mắc tiểu, không nên nhịn tiểu hay nhịn uống nước.
Bệnh NTĐT nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các bé trai bị dị tật đường tiểu như hẹp bao quy đầu thì cần can thiệp thủ thuật để điều chỉnh lại.
Bình luận (0)