Cảnh báo lừa đảo đi làm việc tại Hàn Quốc

02/05/2019 11:31 GMT+7

Lợi dụng nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cao, nhiều kẻ chào mời lao động tại Hàn Quốc dưới hình thức du lịch, lao động thời vụ... Theo Bộ LĐ-TB-XH, đây là thông tin lừa đảo, người lao động rất dễ gặp rủi ro.

Đóng tiền là đi, không cần học tiếng
Ngay sau khi Bộ LĐ-TB-XH thông báo tuyển 4.000 lao động sang Hàn Quốc trong năm 2019, trên các trang web, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc với số lượng lớn không cần học, không cần thi tiếng Hàn.
Từ thông tin quảng cáo trên Facebook, chúng tôi đã liên hệ N.T.C, một người tự giới thiệu có người nhà làm việc ở Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc ĐH Nông nghiệp Hà Nội. N.T.C cho biết hiện đối tác bên Hàn Quốc đang cần tuyển lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lương cơ bản 30 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm. Phí môi giới là 8.000 USD, tương đương 180 triệu đồng.
Khi được hỏi về thời hạn làm việc ở Hàn Quốc, C. cho hay: “Thời gian làm việc bên đó rất linh hoạt, 5 tháng có thể về 1 lần, còn nếu không muốn làm thì về nước. Chỉ cần người lao động (NLĐ) không nằm trong diện 49 huyện cấm sang Hàn (theo thông báo từ phía Hàn Quốc yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động, trong đó Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là các tỉnh có số huyện bị cấm nhiều nhất) là có thể đi được. NLĐ cũng không cần phải học tiếng, chỉ cần nộp hộ chiếu, CMND hoặc thẻ căn cước, sổ hộ khẩu là đủ. Sau khi nhận hồ sơ 1 tháng là có thể đi ngay trong tháng 5”.
Đáng chú ý, hầu hết các đơn vị quảng cáo tuyển lao động đi theo diện visa C4 (làm việc ngắn hạn 3 tháng). Lĩnh vực lao động rất đa dạng: cơ khí, xây dựng, làm nông nghiệp (trồng sâm, nấm, rong biển)… Theo quảng cáo của một số đơn vị, đây là chương trình của nhà nước, chủ bảo lãnh không sợ trượt visa, NLĐ được nhận lương 38 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca, tiền ăn ở chủ bao.
Mới đây nhất, đầu tháng 4, nhiều lao động đã gửi đơn đến Bộ LĐ-TB-XH tố cáo Công ty cổ phần VietBright có địa chỉ ở Khu đô thị Mỹ Đình 1, P.Cầu Diễn, Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo đưa người đi Hàn Quốc.
Bà L.T.H (ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tháng 3.2018, tôi đăng ký cho cháu đi lao động ở Hàn Quốc qua Công ty VietBright. Lãnh đạo công ty nói đi bằng đường chính thống rất khó nên hướng dẫn người nhà tôi đi bằng visa thương mại (30 ngày). Sau khi sang đó, công ty bên Hàn Quốc sẽ chuyển thành visa lao động. Do tin tưởng, tôi đã nộp 500 triệu đồng và 13.000 USD vào công ty”.
Tuy nhiên 1 năm trôi qua, cháu bà H. vẫn chưa sang được Hàn Quốc. Bà H. nhiều lần đến công ty đòi tiền, đến nay công ty còn nợ bà 200 triệu đồng và 3.000 USD. Theo bà H., rất nhiều người bị lừa đi Hàn Quốc “hụt”, có người đã nộp 600 triệu đồng vẫn chưa được xuất cảnh.

Đi lao động bằng visa du lịch, thương mại là lừa đảo

Các tổ chức cá nhân quảng cáo tuyển dụng trên internet và mạng xã hội đưa lao động sang Hàn Quốc bằng visa du lịch, thương mại, sau đó chuyển sang visa lao động để thu tiền của người lao động đều là lừa đảo

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH)

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), khẳng định hiện nay chỉ có 4 chương trình đưa lao động sang Hàn Quốc được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép, đó là: chương trình đưa lao động sang làm thuyền viên tàu cá gần bờ và xa bờ Hàn Quốc; chương trình thẻ vàng (visa E7) dành cho lao động có trình độ tay nghề cao từ ĐH trở lên; chương trình đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang triển khai thí điểm tại một số địa phương và chỉ có NLĐ ở địa phương đó mới được tuyển dụng.
Ngoài ra, chương trình được NLĐ đăng ký tham gia nhiều nhất là Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS). Với chương trình này NLĐ phải tham gia thi tuyển kỳ thi tiếng Hàn và năng lực, ai trúng tuyển mới được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn.
Theo ông Liêm, các tổ chức cá nhân quảng cáo tuyển dụng trên internet và mạng xã hội đưa lao động sang Hàn Quốc bằng visa du lịch, thương mại, sau đó chuyển sang visa lao động để thu tiền của NLĐ đều là lừa đảo. Ông Liêm cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của NLĐ về vấn đề này. NLĐ luôn có tâm lý muốn đi nước ngoài thật nhanh, do thiếu thông tin nên đã bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng khiến tiền mất, tật mang”.
Đại diện Cục Quản lý lao động khuyến cáo, đi bằng hình thức này NLĐ không được bảo đảm về quyền lợi, có thể bị bắt hoặc bị đối xử ngược đãi. NLĐ cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao số tiền lớn cho doanh nghiệp. “Để biết thông tin về doanh nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng, NLĐ có thể kiểm tra thông tin tại Sở LĐ-TB-XH các địa phương hoặc vào trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn”, ông Liêm nói. 
Lao động sang Hàn Quốc bắt buộc phải qua 2 vòng thi
Bộ LĐ-TB-XH vừa thông báo kế hoạch tổ chức thi tuyển tiếng Hàn năm 2019 theo chương trình đưa NLĐ VN đi làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, kể từ năm nay, người lao động bắt buộc phải qua 2 vòng thi: năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) và kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực. Phương thức tính điểm mới sẽ nâng cao khả năng đánh giá năng lực NLĐ thông qua việc kiểm tra trình độ tay nghề, thể chất và kinh nghiệm làm việc. Chỉ những người đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Trong kỳ thi này, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tuyển chọn 4.000 lao động, gồm: 2.600 lao động ngành ngư nghiệp, 1.000 lao động ngành sản xuất chế tạo và 300 lao động ngành xây dựng. Thời gian nhận hồ sơ dự thi từ ngày 15 - 17.5, phí dự thi là 24 USD (khoảng 560.000 đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.