Cảnh báo nạn giả mạo công chứng

22/01/2024 07:15 GMT+7

Tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng để tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch xảy ra nhiều địa phương trong cả nước ngày càng phức tạp, tinh vi.

Bộ Tư pháp phải vào cuộc

Vừa qua, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp có văn bản gửi tới các Sở Tư pháp trên cả nước. Trong thời gian gần đây, tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa phương, có biểu hiện vi phạm liên quan đến công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.

Nguyên nhân đặc biệt, là do kỹ năng nhận diện các hành vi giả mạo, lừa đảo trong hoạt động công chứng, chứng thực chưa tốt. Một số công chứng viên không kiểm tra kỹ bản chính, hoặc chứng thực cả những bản sao giấy tờ giả, chứng thực bản sao không có bản chính; nhiều tổ chức hành nghề công chứng thiếu trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ nhận biết giấy tờ giả...

Cảnh báo nạn giả mạo công chứng- Ảnh 1.

Nếu nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ, tài liệu thì người dân có quyền đề nghị công chứng viên xác minh, hoặc yêu cầu giám định

NGỌC DƯƠNG

Từ đó, Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị các địa phương khi chứng thực bản sao từ bản chính phải kiểm tra, đối chiếu kỹ cả bản chính và bản sao. Trong trường hợp nghi ngờ về tính hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản thì yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh theo khoản 5 điều 9 Nghị định số 23 năm 2015.

Cục Bổ Trợ tư pháp khuyến nghị các tổ chức hành nghề công chứng lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để soi chiếu các loại giấy tờ giả; phối hợp với cơ quan công an địa phương, sở, ngành liên quan để phòng chống vi phạm pháp luật

Chủ yếu làm giả hồ sơ để giao dịch nhà đất

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Phương - Trưởng văn phòng công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương (Long An), văn phòng bà đã gặp rất nhiều trường hợp làm giả CCCD, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sổ đỏ…

Theo bà Phương, việc làm giả giấy tờ đa phần là để giao dịch nhà đất. Nhiều người còn cầm CCCD của người khác đi công chứng hợp đồng giao dịch thay cho người đó. Đặc biệt, làm giả xác nhận tình trạng hôn nhân để giao dịch hợp đồng, nhằm mục đích không cần vợ, hoặc chồng đồng ý khi định đoạt tài sản chung có xu hướng tăng.

"Vừa qua, văn phòng chúng tôi có tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Phát hiện giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có dấu hiệu bất thường, chúng tôi đã liên hệ UBND nơi cấp giấy để xác minh thì cơ quan này khẳng định không cấp giấy này. Do đó, chúng tôi đã mời cơ quan công an đến lập biên bản", bà Phương nói.

Một công chứng viên ở TP.HCM cho biết, kẻ gian đa số sử dụng thủ đoạn tráo sổ đỏ giả để lấy sổ đỏ thật. Sau đó, những người này làm giả giấy tờ tùy thân (chủ yếu là CCCD), giả người chủ sở hữu nhà đất và đem sang nhượng lại cho người khác (cùng băng nhóm), rồi đem bán hoặc thế chấp vay tiền.

"Tất cả có chung đặc điểm là mua bán nhà đất nhưng người mua không nhận nhà. Vì nhà do chủ sở hữu thật đang ở, chiếm hữu rồi nhanh chóng sang tên nhiều lần hoặc thế chấp vay số tiền lớn của ngân hàng", vị công chứng viên chia sẻ.

Vị công chứng viên này cho biết, với thủ đoạn trên, tại TP.HCM có những nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. Việc giả mạo làm cho người chủ sở hữu thật phải mất thời gian công sức khởi kiện để cấp lại sổ hồng, khôi phục tình trạng ban đầu. Riêng ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hồi lại số tiền đã cho vay.

Còn theo ông Vũ Thế Quyết, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Bình Phước, cho biết thêm trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu sử dụng sổ đỏ giả để yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Các công chứng viên đã phối hợp chặt chẽ với công an để kịp thời báo tin xử lý những trường hợp có dấu hiệu, nghi vấn giấy tờ, tài liệu giả.

Ông Quyết dẫn chứng điển hình như vụ Võ Thị Mỹ Bình (47 tuổi, ngụ TP.HCM) sử dụng sổ đỏ giả để chuyển nhượng cho người khác với giá 200 triệu đồng. Sau đó Bình đã bị khởi tố. Hay vụ Trần Ngọc Anh (45 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước), sử dụng sổ đỏ giả để chuyển nhượng cho người khác với giá 6 tỉ đồng.

Để lại hậu quả nặng nề cho các bên

Theo bà Phương, việc giả mạo người, giấy tờ khi đi công chứng nếu công chứng viên không phát hiện kịp thời, mà công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ gây nhiều hậu quả khôn lường. Việc này làm cho hợp đồng giao dịch sẽ bị vô hiệu do chủ thể giao kết không đúng, hoặc không có đủ thẩm quyền, gây thiệt hại cho các bên. Nếu công chứng viên có lỗi trong việc không phát hiện việc giả mạo còn có thể phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Do đó, bà Phương đề nghị người dân cẩn trọng khi tiến hành giao dịch dân sự, phải tìm hiểu kỹ về tài sản và người giao dịch để tránh trường hợp giả mạo, lừa đảo. Đối với số tiền lớn, cần đến tổ chức hành nghề công chứng để kiểm tra, đối chiếu giấy tờ, rồi công chứng hợp đồng.

Ông Quyết bổ sung, đối với người tham gia giao dịch là bên nhận chuyển nhượng, nhận thế chấp, nhận cầm cố tài sản, bên mua tài sản... trước khi giao kết hợp đồng cần phải tìm hiểu kỹ giấy tờ đăng ký quyền sở hữu, xác minh thêm tại cơ quan có thẩm quyền như văn phòng đăng ký đất đai, ủy ban. Nếu nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ, tài liệu thì có quyền đề nghị công chứng viên xác minh, hoặc đề nghị công chứng viên yêu cầu giám định.

Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty luật Viên An), người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ đó (điều 47 luật Công chứng).

Người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (điều 75 luật Công chứng).

Tại điều 12 Nghị định số 82 năm 2020 của Chính phủ quy định: giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng… thì sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Huyền Trang, nếu nghi giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, thì công chứng viên lập biên bản và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Ngoài ra, tại điều 174 bộ luật Hình sự, còn quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân.

Còn người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm (điều 341 bộ luật Hình sự).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.