Theo lời kể của gia đình, khi ở nhà, bệnh nhân này đi bắt sâu ban miêu về nướng ăn, không nhớ rõ số lượng là bao nhiêu. Sau khi ăn, bệnh nhân thấy đau đầu nhiều kèm theo đau rát họng, đau bụng, buồn nôn và nôn ra máu. Bệnh nhân được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh Sơn La điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Một bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu được điều trị tại Trung tâm Chống độc |
M.Thanh |
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc sâu ban miêu giờ thứ 6. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng toan chuyển hoá nặng, suy gan, thận cấp. Bệnh nhân tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị: lọc máu liên tục, duy trì vận mạch, điều trị suy gan, thận. Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn tiến triển nặng nên gia đình xin đưa về nhà chăm sóc. Bệnh nhân tử vong sau đó.
Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Chuyên khoa 1 Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK khoa tỉnh Sơn La, cảnh báo người dân không nên bắt sâu ban miêu để phòng ngộ độc và tuyệt đối không ăn loại sâu này.
Nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Tỷ lệ tử vong cao
Liên quan đến các ca ngộ độc do côn trùng, trong đó có nguyên nhân do sâu ban miêu, TS - BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thêm: nhiễm độc sâu ban miêu là nhiễm độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu ban đầu khi xử lý loại ngộ độc này. Sâu ban miêu có chứa độc tố cantharidin (là chất rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể như: dạ dày, ruột, cơ, gan, thận, máu,…), với tỷ lệ tử vong do ngộ độc loại sâu này rất cao; trường hợp được cứu sống thường kèm theo nhiều biến chứng như suy thận, viêm phổi, viêm gan. Rất hiếm trường hợp ngộ độc sâu ban miêu được cứu sống mà không có di chứng.
Bác sĩ Nguyên lưu ý người dân khi lao động có tiếp xúc hoặc phải bắt loại sâu này, cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp da, đặc biệt là tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng với sâu. Nếu không may mắt tiếp xúc với sâu thì cần rửa ngay bằng nhiều nước kết hợp với chớp mắt trong nhiều phút, da tiếp xúc thì rửa da bằng nhiều nước sạch với xà phòng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các chất có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn, đều là các nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn phải.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.
Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).
Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria, còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao, thực chất là nhiều thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 - 20 mm, ngang 4 - 6 mm; có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi; thân có đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại; phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Người dân không được ăn sâu ban miêu vì sẽ gây ngộ độc nặng và tử vong. Một số người có dùng loại sâu này làm thuốc nhưng cũng đã bị ngộ độc nặng và tử vong.
(Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai)
Bình luận (0)